|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đạm Ninh Bình đã lỗ 2.700 tỷ đồng

15:24 | 14/09/2016
Chia sẻ
Lỗ lũy kế của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tới hết tháng 6/2016 là 2.692 tỷ đồng và Nhà máy mới hoạt động chưa được 100 ngày từ đầu năm tới nay.

Kế hoạch lỗ 1, thực tế lỗ dài

Theo kế hoạch được đặt ra trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, 3 năm hoạt động đầu tiên, Nhà máy sẽ lỗ 47 triệu USD, tương đương 1.079 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, từ khi đi vào hoạt động (năm 2013) đến nay, Nhà máy Đạm Ninh Bình chỉ thấy lỗ và lỗ.

Báo cáo mới nhất của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho hay, năm 2013, Công ty lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 lỗ 456,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng lỗ của Công ty từ khi đi vào hoạt động tới nay đã là 2.692 tỷ đồng.

tin nhap 20160914152129

Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Cũng thay vì chỉ lỗ 3 năm, như kế hoạch, thì nay đã bước sang năm hoạt động thứ 4 này, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vẫn đang lỗ và chưa biết bao giờ mới ngừng lỗ.

Nguyên nhân được ông Vũ Văn Nhẫn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Niinh Bình lý giải trong một báo cáo mới đây là, do trong 2 năm gần đây, giá dầu thế giới giảm, kéo theo giá phân bón giảm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là giá ure. Năm 2012, giá bán urê Ninh Bình là 8,74 triệu đồng/tấn; năm 2013, giá bán là 8,21 triệu đồng/tấn; năm 2014, giá bán là 7,289 triệu đồng/tấn; năm 2015, giá bán là 7,31 triệu đồng/tấn và 6 tháng đầu năm 2016, giá chỉ còn 6,019 triệu đồng/tấn.

“Với nguồn cung của 4 nhà máy urê trong nước (gồm Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình), sản xuất đã vượt cầu. Cộng thêm nguồn cung từ nhập khẩu với giá rẻ đã tác động trực tiếp đến giá bán của Đạm Ninh Bình và công tác tiêu thụ”, ông Nhẫn nhận xét.

Trong lúc thị trường urê trong nước và thế giới biến động phức tạp, khó lường, giá urê tiếp tục duy trì ở mức thấp thì sản xuất nông nghiệp lại gặp những khó khăn (hạn hán, xâm nhập mặn), khiến nhu cầu phân bón trong nước giảm.

Thêm đó, Luật số 71/2014/QH13 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra, do đó toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ và tính vào giá thành, khiến cho sức cạnh tranh của urê nội giảm so với urê ngoại.

Một nguyên nhân cũng khiến sức cạnh tranh của Đạm Ninh Bình giảm là than đầu vào. “Than là nguyên liệu và nhiên liệu sản xuất chính, chiếm tỷ trọng cao trong giá thành, nhưng hiện giá mua than nội cao hơn giá mua theo lộ trình được xác lập trong nghiên cứu khả thi và không giảm dù giá than thế giới giảm. Điều này khiến đạm sản xuất từ than kém cạnh tranh hơn đạm sản xuất từ khí. Bên cạnh đó, tỷ trọng các loại chi phí như khấu hao, trả lãi vay đầu tư, vốn lưu động, hạch toán chênh lệch tỷ giá đã chiếm gần 40% giá thành sản phẩm urê và amoniac (NH3), cũng là nguyên nhân khiến cho giá vốn sản xuất và giá thành tiêu thụ ở mức quá cao, sản xuất bị lỗ”, ông Nhẫn cho hay.

Tạm hay dừng dài

Với thực tế lỗ lũy kế lớn và tiêu thụ khó khăn, trong 7 tháng đầu năm 2016, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã phải thu hẹp sản xuất. Số ngày hoạt động trong 7 tháng mới chỉ là 76 ngày, chiếm 36% tổng quỹ thời gian. Đại diện Công ty cho biết, việc sản xuất được duy trì ở mức phụ tải thấp, tồn kho cao, tiêu thụ khó khăn nên dự kiến lỗ sẽ tiếp tục tăng, đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền và ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty.

Hồi tháng 5/2016, ông Nguyễn Gia Thế, Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất đã cho báo chí biết, dây chuyền sản xuất thường xuyên hư hỏng phải đầu tư kinh phí lớn để tu sửa. Hiện mỗi năm, Đạm Ninh Bình đang phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng.

Trước thực trạng làm ăn thua lỗ, hàng hóa không bán được, tháng 4/2016, Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng đã phải tạm ngừng sản xuất. Khoảng 400 trong tổng số 1.000 công nhân phải tạm thời bị nghỉ việc và chỉ được nhận mức lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/tháng.

Trong kiến nghị mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thành vốn góp Nhà nước tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để giảm số nợ gốc và lãi vay.

Một biện pháp cũng được tỉnh Ninh Bình kiến nghị là áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm ure tương tự như phôi thép và bột ngọt để hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và là nguyên nhân chính làm giá bán giảm dưới giá thành sản xuất.

Theo Thanh Hương

Đầu tư