Đạm Cà Mau trình kế hoạch lãi giảm 68%, chia cổ tức năm 2022 30% bằng tiền
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Đạm Cà Mau - Mã: DCM) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến diễn ra tại Cà Mau, vào ngày 12/6.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu 13.459 tỷ đồng doanh thu, 1.383 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 15%, 68% so với năm 2022. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến là 16%.
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận định, năm nay, tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, lạm phát gia tăng sẽ khiến nhu cầu sử dụng phân bón giảm. Không những thế, giá phân bón có thể biến động phức tạp theo chiều hướng giảm, cùng với đó là sự cạnh tranh từ các nhà máy sản xuất phân bón và hiện tượng El Nino kéo dài, tác động lớn đến nông nghiệp.
Về kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn, trong năm nay, Đạm Cà Mau phấn đấu có có 2 dự án chuyển tiếp là: Dự án Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thạnh Hóa PVCFC; Dự án Mở rộng mái che mưa cho hệ thống xuất sản phẩm (2 line xuất hàng A/D).
Đồng thời, công ty dự kiến có thêm: 2 dự án mới; 8 dự án chuẩn bị đầu tư, trong đó có 2 dự án chuẩn bị đầu tư được chuyển tiếp từ năm 2022 là Dự án Trụ sở Trạm liên lạc làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án Kho đầu mối Long An; 1 dự án M&A.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Đạm Cà Mau đề xuất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 30% (1 cổ phiếu nhận được 3.000 đồng), mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Với 524,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi 1.575 tỷ đồng trả cổ tức.
Ngoài ra, tại đại hội, công ty dự kiến bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên ban kiểm soát, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Lãi nhuận quý I giảm 85%
Mới đây, Đạm Cà Mau đã công bố BCTC quý I với doanh thu 2.735 tỷ đồng, 230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 33%, 85% so với cùng kỳ. Như vậy, sau ba tháng, công ty mới thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản của công ty đạt 14.571 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất (63%) vẫn là tiền và tiền gửi ngắn hạn với 9.229 tỷ đồng. Công ty có 2.244 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm nhẹ so với đầu năm.
Nợ phải trả của Đạm Cà Mau ở mức 3.760 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Công ty trích lập gần 897 tỷ đồng để dự phòng phải trả ngắn hạn, trong đó, 966 tỷ đồng dự phòng trả tiền khí và hơn 20 tỷ đồng cho chi phí bảo dưỡng tổng thể.
Tổng dư nợ vay tài chính của Đạm Cà Mau không đáng kể, ở mức 2,8 tỷ đồng cuối quý I. Vốn chủ sở hữu của công ty tại ngày 31/3 đạt 10.811 tỷ đồng, gồm 2.329 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 3.155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.