|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đắk Lắk tăng sản lượng cà phê chế biến sâu

15:37 | 06/02/2017
Chia sẻ
Đắk Lắk sẽ tăng tỷ lệ cà phê chế biến sâu trong tổng sản lượng cà phê nhân của tỉnh lên 15% vào năm 2020 và lên đến 30% vào năm 2030.
dak lak tang san luong ca phe che bien sau
Quả cà phê thu hoạch chuẩn bị được đưa vào chế biến. Nguồn: TTXVN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, việc tăng tỷ lệ chế biến sâu bao gồm cà phê bột, cà phê hoà tan, các loại cà phê chế biến khác theo thị hiếu của thị trường là nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê - cây nông sản có giá trị xuất khẩu số 1 của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã khuyến khích, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư rang xay thế giới đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cà phê bột, cà phê hoà tan, các sản phẩm cà phê chế biến sâu khác để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu. Tỉnh cũng đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu, cà phê chế biến sâu quy trình thu hái, phơi sấy, bảo quản cà phê nhân sau thu hoạch, chế biến sâu và xây dựng, áp dụng quy trình quản lý doanh nghiệp tiến tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho cà phê đã chế biến sâu gắn với truy suất nguồn gốc, quản lý chất lượng cà phê chế biến sâu theo chuỗi, tiếp cận thị trường… Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất nước, với gần 204.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên.

Thế nhưng, hiện nay, tỉnh chỉ mới có 145 cơ sở chế biến sâu, với công suất thiết kế trên 32.100 tấn, chiếm 5,55% trong tổng sản lượng cà phê nhân trên địa bàn. Năm 2016, tỉnh Đắk Lắk chỉ mới chế biến sâu được 28.000 tấn, trong đó có 23.000 tấn cà phê bột, 5.000 tấn cà phê hoà tan và đã xuất khẩu 4.520 tấn cà phê hoà tan (chiếm 2,3% số lượng cà phê nhân xuất khẩu) đạt kim ngạch 26,826 triệu USD, chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh.

Sản lượng cà phê chế biến sâu còn lại tiêu thụ trong nước.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Nghị, chế biến sâu cà phê trên địa bàn tỉnh chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân thực hiện, năng lực tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế, chính sách của tỉnh còn nhiều bất cập.

Do đó, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư phát triển các cơ sở chế biến sâu đối với sản phẩm cà phê.

Quang Huy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.