|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đắk Lắk đề ra mục tiêu sản xuất cà phê bền vững

09:25 | 12/10/2016
Chia sẻ
Tỉnh Đắk Lắk đang mở rộng sản xuất cà phê theo hướng được chứng nhận bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường, theo nguồn tin từ Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC).
dak lak de ra muc tieu san xuat ca phe ben vung
Các chứng phát triển bền vững, giúp người trồng cà phê đảm bảo năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị sản phẩm (Nguồn: Giá cà phê)

ITPC cho biết, tại tỉnh Đắk Lắk các hộ nông dân địa phương và các doanh nghiệp đã sản xuất cà phê được chứng nhận bởi nhiều tổ chức khác nhau. Cụ thể, có chứng nhận sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt (UTZ), Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê (4C), chứng nhận Rừng Nhiệt Đới (RFA) và Tổ chức Thương mại công bằng (FLO).

Đắk Lắk hiện có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 200.000ha, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch hơn 190.000ha. Theo đó, hàng năm tỉnh sản xuất khoảng 364.800 tấn cà phê bền vững trên diện tích 102.150ha. Sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ là 88.470 tấn, 4C là 256.000 tấn, RFA là 16.490 tấn và FLO là 3.840 tấn.

Riêng tại huyện Cư Mgar ở Đắk Lắk hiện có hơn 10.000 hộ nông dân và 30 hợp tác xã nằm trong các chương trình, với lượng sản xuất 15.000 tấn trên diện tích 35.000 ha sản được sản xuất cà phê bền vững.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 10 được dự đoán sẽ chậm lại do dự trữ của nông dân còn ít và các nhà xuất khẩu do dự bán hàng ra khi có thông tin vụ thu hoạch sẽ trễ hơn thường lệ.

Niên vụ cà phê 2016-2017 sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng tới, nhưng thời tiết bất lợi sẽ làm trễ vụ thu hoạch tại Đắk Lắk. Bộ dự báo, giao dịch cà phê Việt Nam sẽ chậm lại cho tới khi vụ thu hoạch thực sự bắt đầu.

Cũng theo nguồn tin từ TTX, hiện các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trong tỉnh đã sử dụng giống cà phê vối mới chín muộn như TR6, TR14, TR15, TR16 trồng tái canh trên diện rộng. Cách làm này vừa thích ứng với biến đổi khí hậu mà lại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch trồng tái canh 3.497 ha cà phê. Như vậy, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Đắk Lắk trồng tái canh được 16.967 ha cà phê. Trong đó, chủ yếu với các giống cà phê vối mới như TR5, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13 đạt năng suất cao, chất lượng tốt, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng khi xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Hồng Vũ