Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, Nga và Liên hợp quốc trở về Bình Nhưỡng để họp xem xét lại chiến lược đàm phán với Mỹ?
Theo thông tin từ Yonhap, một nguồn tin cho tờ này biết, ngày 19/3, đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, Nga và Liên Hợp Quốc đã quay trở lại Bình Nhưỡng. Điều này khiến nhiều người suy đoán rằng Bình Nhưỡng có thể xem xét lại chiến lược đàm phán hạt nhân của nước này với Mỹ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tổ chức tại Hà Nội hồi cuối tháng 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Ông Kim Song, đặc phái viên hàng đầu của Bình Nhưỡng tại Liên hợp quốc. (Ảnh nguồn: Yonhap).
Theo nguồn tin này, Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong, Đại sứ Triều Tiên tại Nga Kim Hyong-Jun và ông Kim Song, đặc phái viên hàng đầu của Bình Nhưỡng tại Liên hợp quốc, đã tới Bình Nhưỡng trên chuyến bay của Hãng hàng không Air Koryo từ Bắc Kinh vào chiều 19/3.
Yonhap cũng cho biết, có khoảng 10 nhà ngoại giao Triều Tiên, bao gồm hai đại sứ nói trên, đã được nhìn thấy tại sân bay Bắc Kinh.
Yonhap nhận định, sự trở về của các nhà ngoại giao Triều Tiên có thể nhằm mục đích tham dự một cuộc họp thường niên của những người đứng đầu phái đoàn ngoại giao nước này, tuy nhiên Yonhap cũng suy đoán rằng sự trở về này có thể liên quan đến việc Bình Nhưỡng xem xét lại và lên ý tưởng về cuộc đàm phán chiến lược tiếp theo với Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai nhưng hai nước không đạt được thỏa thuận chung.
Sau khi hội nghị kết thúc, Washington đã kêu gọi thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, yêu cầu Triều Tiên có lộ trình phi hạt nhân hóa toàn diện hơn.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đe dọa sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, nói rằng Bình Nhưỡng sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu "mang tư duy kiểu gangster" của Washington.
Trước đó, Yonhap cũng đưa tin, ngày 18/3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, Mỹ muốn đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên dựa trên lộ trình loại bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng toàn diện hơn.
Bà Kang cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ở Hà Nội, Bình Nhưỡng đã giới hạn các bước phi hạt nhân hóa ngay lập tức đối với tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Theo bà Kang, đây là lý do tại sao hai bên không đạt được thỏa thuận nào trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 2.
"Cả Mỹ và Hàn Quốc đều nghĩ rằng một lộ trình toàn diện là cần thiết. Có vẻ như Mỹ đã tham gia hội nghị thượng đỉnh với lập trường đó", bà Kang nói và giải thích, điều đó có nghĩa là Mỹ muốn bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bằng một "kế hoạch toàn diện hơn" để giải quyết tất cả các yếu tố liên quan đến khả năng cũng như các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trước đó, trong cuộc họp báo đầu giờ chiều ngày 28/2 tại Khách sạn Marriott (Hà Nội) ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 bất ngờ kết thúc không theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết những bất đồng về lệnh cấm vận là nguyên nhân khiến hội nghị thượng đỉnh lần 2 không đạt được thỏa thuận chung. Ông Trump cho hay Bình Nhưỡng muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận trước khi phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyong, điều mà phía Washington không thể chấp thuận.
Tuy nhiên, phát biểu sau đó tại cuộc họp báo của phía Triều Tiên vào giữa đêm cùng ngay, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết họ chỉ yêu cầu Washington dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân dưới sự giám sát của chuyên gia Mỹ.