Đài Loan siết chặt nhập khẩu thủy sản có vỏ từ năm 2018
Kể từ ngày 1/1/2018, thủy sản có vỏ nhập khẩu vào Đài Loan phải có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh của nước xuất khẩu. |
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, tất cả thủy sản có vỏ nhập khẩu vào Đài Loan phải có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh do nước xuất khẩu cấp. Giấy chứng nhận này phải chứng minh được các loại thủy sản nhập khẩu vào Đài Loan được đánh bắt ở các vùng biển hoặc vùng nước hợp pháp, và được nuôi hoặc đánh bắt bởi các công ty hợp pháp, ông Cheng Wei – Chih, chuyên viên kỹ thuật cấp cao tại Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA), trực thuộc MHW, cho biết.
Năm loại thủy sản có vỏ phổ biến nhập khẩu vào Đài Loan gồm sò, hàu, bào ngư, trai, ngao.
Tất cả các công ty nhập khẩu và các hiệp hội có liên quan của Đài Loan đều đã được thông báo về quy định mới này. Sau khi quy định mới này có hiệu lực, MHW sẽ không chấp nhận bất kỳ đơn xin kiểm tra nào đối với thủy sản có vỏ nhập khẩu mà không có các giấy tờ hợp lệ, ông Cheng nói.
Số liệu của FDA cho biết, năm 2016 Đài Loan đã nhập khẩu khoảng 2.800 tấn thủy sản có vỏ từ Trung Quốc, 1.480 tấn từ Nhật Bản và 1.140 tấn từ Philippines.
Cục trưởng FDA ông Wu Tsung-hsi cho biết, các báo cáo trong những năm gần đây cho thấy các loại thủy sản có vỏ dễ bị nhiễm độc khi sống ở những vùng nước bị ô nhiễm. Con người khi ăn phải những con vật đó cũng sẽ bị nhiễm độc. Do vậy, cần phải kiểm soát được vùng nước nơi các loại thủy sản đó được đánh bắt, dù ở ngoài tự nhiên hay trong điều kiện nuôi trồng.
“Giám sát môi trường là yếu tố quyết định đến mức độ an toàn của các loại thủy sản có vỏ”, ông Wu nhấn mạnh.
Điển hình như năm 2015, hơn 100 khách du lịch ở Green Island bị ngộ độc sau khi ăn con trai được chế biến ở một nhà hàng địa phương. Số trai này được nhập khẩu từ Hàn Quốc, sau khi xét nghiệm thì phát hiện bị nhiễm Norovirus. Đây là một nhóm virus gây ra ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy.