|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Đại lí vẫn phải giảm giá bán các mẫu xe ô tô cũ nhằm thu hút khách hàng

14:06 | 15/07/2020
Chia sẻ
Để kích cầu mua xe ô tô, chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các đại lí phân phối ô tô vẫn sẽ phải giảm giá các mẫu xe đời cũ.

Theo dự báo mới nhất về biến động ngành ô tô nửa cuối năm 2020, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định các đại lí phân phối xe ô tô vẫn sẽ phải giảm giá bán các mẫu đời 2019 nhằm thu hút khách hàng. Điều này sẽ khiến cho biên lợi nhuận của các công ty sụt giảm.

Vẫn phải giảm giá bán các mẫu xe cũ nhằm thu hút khách hàng - Ảnh 1.

Cung vượt cầu và áp lực thanh lí hàng tồn kho làm tăng cạnh tranh giá bán, giảm biên lợi nhuận gộp. Nguồn: VAMA, CTCK Rồng Việt

Theo VDSC, trong 5 tháng đầu năm, ước tính sản lượng xe ô tô lắp ráp của cả nước đạt khoảng 71.669 chiếc, hiện tồn kho 20.000 chiếc (tương đương 28%). Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 36.798 chiếc, trong đó 86% từ Thái Lan và Indonesia, hiện tồn kho 5.286 chiếc (tương đương 14%).

Tổng cộng, hiện cả nước đang có 25.286 chiếc tồn kho, chiếm 23% tổng nguồn cung. Cùng với đó, lượng xe tồn kho năm 2019 là rất lớn với khoảng 182.000 chiếc (chiếm 36% tổng nguồn cung năm 2019). Với dữ liệu thống kê trên, VDSC nhận định áp lực thanh lí hàng tồn kho là rất lớn.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã làm nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng tiêu cực. Trước dịch bệnh, GDP dự kiến của năm 2020 khoảng 6,5%, nhưng trong tình hình khó khăn vì dịch bệnh, chỉ số này đã được điều chỉnh lại còn 3,6 - 4,4%.

VDSC cho rằng với thu nhập thấp hơn kì vọng, người tiêu dùng sẽ chuyển sang những phân khúc xe tầm trung và thấp, phù hợp với túi tiền thay vì dòng xe sang. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh số bán xe của các hãng xe như Lexus, Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche và Volvo.

Mặt khác, diện tích đất dành cho giao thông chỉ chiếm 6 - 8% ở Hà Nội và TP HCM, mức rất thấp so với tiêu chuẩn khoảng 20%. Đồng thời, nước ta vẫn còn thiếu những dự án đầu tư giao thông riêng biệt cho phương tiện ô tô khiến cho việc đi lại bằng ô tô chưa thực sự thuận tiện. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới nhu cầu mua xe của người tiêu dùng.

Vẫn phải giảm giá bán các mẫu xe cũ nhằm thu hút khách hàng - Ảnh 2.

Các đại lí phân phối xe ô tô vẫn sẽ phải giảm giá bán các mẫu đời 2019 nhằm thu hút khách hàng. Ảnh: Vinfast

Để khắc phục những khó khăn trên, chính phủ đã ban hành Nghị định 70 về việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, rất nhiều hãng xe như Toyota, Honda, TC Motor, Mitsubishi, Mercede-Benz... đã gỡ bỏ các chính sách khuyến mãi của công ty, giúp tiết kiệm chi phí bán hàng so với nửa đầu năm 2020.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (đạt chuẩn) được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được. Hay gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến hết năm nay.

Các biện pháp trên đã giúp giảm chi phí sản xuất từ 2 - 5%, hỗ trợ cho việc giảm giá bán và thúc đẩy nhu cầu mua xe của người dân và giúp các doanh nghiệp ô tô quản lí dòng tiền tốt hơn trong quãng thời gian khó khăn vì dịch bệnh.

Về tổng quan, VDSC kết luận rằng doanh số bán hàng ngành ô tô sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 so với nửa đầu năm, nhờ tình hình kinh tế khả quan hơn và những chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ.

"Dù cho biên lợi nhuận gộp nhiều khả năng sụt giảm nhưng lợi nhuận gộp vẫn tăng trưởng nhờ doanh số bán hàng tăng. Cộng hưởng với chi phí bán hàng được tiết giảm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm của các công ty ô tô tăng so với nửa đầu năm 2020", phía VDSC nhận định.

Tường Vy