‘Đại giải phẫu’ Maritime Bank ba năm sau sáp nhập
Ông Trần Anh Tuấn tiếp tục làm Chủ tịch Maritime Bank, hai Phó Chủ tịch mới trong HĐQT |
Chứng khoán đầu tư lấn át cho vay khách hàng trong cơ cấu tài sản
Nhiều năm liền không cổ tức, quy trình kiểm soát rủi ro, quản lý nội bộ, văn bản đến việc niêm yết trong bối cảnh những ngân hàng tương đương quy mô vốn, tài sản đều lần lượt lên sàn… khiến đại hội Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank - Mã: MSB) vừa qua nóng hơn bao giờ hết.
Năm 2015, Maritime Bank sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) và tiếp quản Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam. Khi đó, lãnh đạo Maritime Bank cho hay vốn điều lệ của Ngân hàng tăng từ 8.000 lên 11.750 tỷ đồng, tổng tài sản vượt 111 nghìn tỷ đồng cùng vốn chủ sở hữu 14 nghìn tỷ đồng. MDB được kỳ vọng giúp Maritime Bank tạo vị thế cạnh tranh trong phân khúc khách hàng nhỏ khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, tổng tài sản của Maritime Bank có phần sụt giảm, cơ cấu tài sản cho thấy hoạt động ngân hàng phụ thuộc phần lớn vào chứng khoán đầu tư thay vì kinh doanh cốt lõi là cho vay. Bên cạnh đó, tiền gửi và cho vay TCTD có phần lấn át cho vay khách hàng. Những điều này rất khác so với các ngân hàng cùng quy mô trên thị trường.
Số dư chứng khoán đầu tư của Maritime Bank chiếm bình quân 39% tổng tài sản từ năm 2013 đến quý I/2018. Thời điểm sau sáp nhập, năm 2015, con số này lên đến 47%. Trong khi đó cho vay khách hàng chỉ chiếm bình quân 28% tổng tài sản, thời điểm cao nhất cũng chỉ khoảng 33% vào cuối 2017. Ngay trong ba tháng đầu năm nay, cho vay của Maritime Bank còn tăng trưởng âm.
Tăng trưởng tín dụng âm, Maritime Bank vẫn lãi lớn nhờ kinh doanh chứng khoán và ngoại hối trong quý I |
Cơ cấu tổng tài sản Maritime Bank qua các năm |
Soi cơ cấu chứng khoán đầu tư của Maritime Bank tính đến cuối tháng 3/2018, chủ yếu là các chứng khoán nợ với hơn 40.370 tỷ đồng.
Chứng khoán nợ của Maritime Bank tính đến cuối tháng 3/2018 |
Với tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng thấp trong tổng tài sản, kết quả kinh doanh qua các năm của Maritime Bank tập trung khá nhiều vào lãi từ chứng khoán đầu tư, hoạt động khác và thu nhập góp vốn, mua cổ phần; trong khi thu nhập từ lãi thuần tăng giảm thất thường. Đặc biệt trong bối cảnh đông đảo ngân hàng đang gia tăng mạnh mảng thu nhập từ dịch vụ, Maritime Bank cũng không cho thấy rõ nét sự chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận sang hoạt động dịch vụ khi chỉ chiếm vài chục tỷ động.
Lãi các hoạt động của Maritime Bank qua các năm |
Vẫn còn nhiều “bừa bộn” sau ba năm sáp nhập
Hiện Maritime Bank đứng thứ 8 về vốn điều lệ trong các ngân hàng, vượt những Ngân hàng đang niêm yết như ACB hay SHB, tuy nhiên quy mô tài sản lại đứng sau rất nhiều ngân hàng vốn điều lệ thấp chỉ vài nghìn tỷ đồng như LienVietPostBank, TPBank hay VIB.
Vốn điều lệ các ngân hàng hiện nay |
Mặt khác, trong khi các ngân hàng lần lượt niêm yết và bứt tốc lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong khoảng hai năm gần đây thì Maritime Bank chưa thể lên sàn trong năm nay, lợi nhuận chỉ xoay quanh hơn trăm tỷ đồng. Mặc dù quý I Ngân hàng lãi ròng trên 230 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lãnh đạo đặt ra khá dặt dè với khoảng 194 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (bao gồm thu hồi nợ đã sử dụng dự phòng).
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Ngân hàng giải thích, lợi nhuận quý I cao trong khi kế hoạch năm thấp là do 2018 là nền tảng để Maritime Bank thực hiện các thủ tục niêm yết, do đó cần nguồn lực đầu tư vào hệ thống, phát triển mạng lưới mới tại khắp các tỉnh thành cả nước. Maritime Bank tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro…
Lợi nhuận và trích lập dự phòng của Maritime Bank qua các năm |
Cổ đông chất vấn ban lãnh đạo: “Tại sao lại dự phòng cao, chiếm 21% vốn điều lệ, lãnh đạo nói là lợi nhuận của cổ đông thì là cổ đông hiện tại hay tương lai”.
Cổ đông cho rằng Maritime Bank sai quy trình rất nhiều từ quản lý rủi ro, quản lý nội bộ đến các văn bản nội bộ. Cổ đông nêu ví dụ quy trình quản lý công nợ Ngân hàng có, nhưng không tuân thủ, cán bộ Ngân hàng không làm tốt vấn đề đó, kiểm soát không chặt chẽ. "Quy trình quản lý nội có nhưng xuống các chi nhánh, mỗi nơi lại có quy trình của riêng mình, hệ thống văn bản chồng chéo", cổ đông nêu ý kiến.
Thay vì trích lập dự phòng rủi ro cao, cổ đông nêu ý kiến Ngân hàng cần đề ra các quy định kiểm soát nội bộ, quy trình để tránh các rủi ro. Cổ đông cũng yêu cầu ban kiểm soát Ngân hàng tích cực thu hồi công nợ.
Trước ý kiến đó, lãnh đạo Ngân hàng phản hồi rằng: “Toàn hệ thống hiện nay, việc chi nhánh có tuân thủ hay không rất khó đánh giá vì nó không liên hệ với nhau nhiều. Về cơ bản thì quy trình của cả hệ thống Maritime Bank chặt chẽ , việc kiểm soát tuân thủ tương đối khắc khe hiện nay, chúng tôi khẳng định thông qua báo cáo của các tổ chức đánh giá độc lập”.
Đối với các khoản dự phòng, phía Maritime Bank cho rằng để đảm bảo Ngân hàng phát triển bền vững.
Điểm tích cực của Maritime Bank hiện nay là tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể từ sau sáp nhập, từ mức trên 5% về còn khoảng 2,52% tính đến cuối quý I/2018. Mỗi năm Maritime Bank tốn trên nghìn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, với hơn 9.200 tỷ đồng trái phiếu VAMC, Maritime Bank còn phải dự phòng thêm 1.234 tỷ đồng.
Nợ xấu và trái phiếu VAMC của Maritime Bank. (Đvt: tỷ đồng). |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/