|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đại gia đua nhau làm bất động sản sân golf

14:39 | 03/04/2019
Chia sẻ
Bất động sản nghỉ dưỡng sân golf đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, đồng thời thúc đẩy du lịch địa phương cùng phát triển.

Dù trong năm 2018 sức tiêu thụ bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng có sụt giảm nhưng nhiều “ông lớn” vẫn tiếp tục đổ tiền vào phân khúc này. Đặc biệt, BĐS nghỉ dưỡng sân golf tại các địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ... được các tập đoàn lớn đặc biệt quan tâm.

Nhu cầu lớn của giới nhà giàu

Trước đây nhiều sân golf được xây chỉ dành riêng cho những người chơi môn thể thao này. Tuy nhiên, những năm sau này nhiều chủ đầu tư đã biến sân golf trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống BĐS du lịch nghỉ dưỡng, đi kèm với những dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp năm sao.

Nhiều đại gia đã khá thành công khi phát triển sản phẩm này, đơn cử như Sungroup tại Đà Nẵng. Tập đoàn Vingroup cũng đầu tư cả hệ thống Vinpearl Golf tại nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc… Các khu nghỉ dưỡng ven biển có sân golf của Tập đoàn FLC tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Quy Nhơn (Bình Định)… đều thu hút nhà đầu tư, du khách.

Mới đây Novaland cũng đã tham gia thị trường này. Novaland đã ký kết hợp tác cùng Công ty Greg Norman Golf Course Design phát triển bốn sân golf mang thương hiệu Greg Norman trong chuỗi quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết... Tổng giá trị đầu tư ước tính 100 triệu USD.

Nhận thấy tiềm năng của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sân golf, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Cengroup, vừa bắt tay với ông Đặng Hồng Anh đầu tư vào ứng dụng đặt sân golf trực tuyến Fastee với nhiều kỳ vọng đưa môn thể thao quý tộc này đến với nhiều người hơn.

Theo ông Hưng, Việt Nam có điều kiện để phát triển BĐS nghỉ dưỡng có sân golf vì có đường bờ biển rất dài và đẹp. Tuy vậy, hiện cả nước chỉ có khoảng 40 sân golf, trong khi Indonesia có đến 152 sân, Malaysia có 230 sân, Thái Lan có 253 sân. Ông Hưng nhận định loại hình này đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng chất lượng cao cho khách hàng và là xu hướng tất yếu, cần nhân rộng.

Đại gia đua nhau làm bất động sản sân golf - Ảnh 1.

Bất động sản sân golf luôn thu hút các doanh nghiệp. Ảnh: HTD

Cơ hội đầu tư rất lớn

Các chuyên gia cho rằng sản phẩm này là một loại hình BĐS thượng lưu, đắt đỏ. Tương xứng với giá trị của sân golf, những căn biệt thự cao cấp hay khu cao tầng liền kề đều có mức giá cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, đây lại là kênh đầu tư hấp dẫn bởi dù thị trường biến động đến đâu, phân khúc này vẫn luôn giữ giá vì là “của hiếm” và thực sự đẳng cấp.

Theo phó chủ tịch Tập đoàn Cengroup, nếu được bố trí hợp lý, sân golf sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển. Ngoài ra, sân golf tại các đô thị sẽ là hệ thống không gian xanh rất đáng kể, làm trong lành môi trường sống, tạo mảng xanh cho các khu dân cư, tăng giá trị BĐS cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia BĐS, nhận định: “Sân golf giúp cảnh quan đô thị đẹp hơn, đây là yếu tố quan trọng làm tăng giá trị của đất. Điều đó đồng nghĩa chủ đầu tư có thể kiếm lời từ việc bán biệt thự, resort, thuê phòng… Còn nếu chỉ dựa vào nguồn thu từ chơi golf thì sẽ thu không đủ chi”.

Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý hai vấn đề là tính pháp lý của các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng và nhà đầu tư cần xem xét tiềm năng du lịch tại khu vực sân golf đó. Bởi xét cho cùng, BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang là sân chơi của các đại gia.

Tiềm năng phát triển du lịch golf

Hiện nay Việt Nam đang có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trong tổng số 60 sân golf được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020. Các sân golf Việt Nam hầu hết mới xây dựng, thiết kế hiện đại, có khả năng cạnh tranh với những sân golf tốt nhất của các nước láng giềng.

Tuy nhiên, phát triển du lịch golf của Việt Nam hiện vẫn ở giai đoạn ban đầu, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh. Ước tính tỉ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf chỉ chiếm gần 0,8%, trong khi ở Thái Lan con số này là xấp xỉ 9%.

Mới đây Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam được thành lập, được kỳ vọng sẽ là cầu nối, gắn kết các sân golf Việt Nam với các công ty lữ hành quốc tế ở trong và ngoài nước, giữa các sân golf trong nước, khu vực và trên thế giới để hình thành các tour du lịch golf bền vững, chuyên nghiệp.

Quang Huy