'Đại dự án' nghìn tỉ vừa bị khởi tố tại Hà Tĩnh: 13 năm 'trơ gan cùng tuế nguyệt'
Rót nghìn tỷ lấy đống sắt vụn
Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi có diện tích đất gần 26 ha tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, được Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cấp giấy phép từ tháng 6/2007, với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Dự án do Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, ngoài ra còn có hai cổ đông chính là Công ty thép Vạn Lợi và Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản Hợp Thành (đều có trụ sở ở Hà Nội).
Trong đó, Công ty thép Vạn Lợi chiếm 58,4%, Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản Hợp Thành chiếm 34%, còn lại là của hai cổ đông cá nhân. Phần lớn số tiền đầu tư cho dự án bằng vốn vay ngân hàng.
Mục tiêu dự án là đến tháng 8/2010, nhà máy sẽ xuất xưởng tấn phôi thép thương phẩm đầu tiên.
Giai đoạn 2007-2010 khi đang thi công dự án, một số hạng mục bị đình trệ, cơ sở hạ tầng, máy móc bỏ không vì thiếu vốn.
Thời điểm này để “cứu vãn” tình hình, dự án được ba ngân hàng có chi nhánh tại Hà Tĩnh giải ngân hơn 700 tỷ đồng để tiếp tục thi công. Tổng số vốn đã đầu tư vào dự án này là gần 1.000 tỷ đồng.
Cũng thời điểm năm 2008, Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang ra đời với số vốn đầu tư hơn 158 tỷ đồng tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) do Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Nhà máy xây dựng nhằm mục tiêu cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy thép Vạn Lợi với khối lượng 500.000 tấn quặng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2010, Nhà máy thép Vạn Lợi bị “chết yểu” vì thiếu vốn, khiến nguyên liệu mà nhà máy sản xuất ra không thể tiêu thụ.
Từ đó đến nay, hàng chục tấn quặng sắt tại Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang vẫn nằm nguyên, chất đống như núi, máy móc “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Quay trở lại với Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi, chính vì không thể triển khai thêm, ngày 19/5/2015, tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án.
Đến cuối năm 2018, do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phối hợp với các đơn vị liên quan cưỡng chế, kê biên định giá toàn bộ tài sản gần 109 tỷ đồng để trả lại tiền cho các ngân hàng. Toàn bộ tài sản sau đó được bán với giá 205 tỷ đồng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Vào năm 2012, khi Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi dần “chết yểu”, báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh tình trạng dở dang, ngổn ngang tại dự án được rót vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng.
Thời điểm này, trao đổi với phóng viên, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Võ Kim Cự khẳng định: “không vấn đề gì”.
Ông nói, để dẫn đến tình trạng trên là do khủng hoảng toàn cầu, doanh nghiệp gặp khó khăn, họ đang cơ cấu thay đổi lại chủ đầu tư, thay đổi lại vốn nên mình phải khuyến khích, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Sau hơn 10 năm triển khai, tưởng chừng món nợ lớn trong “đại” dự án thép nghìn tỷ đang dần chìm xuống thì mới đây, Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng liên quan.
Công an xác định, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có nhiều sai phạm về tài chính, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện.
Việc làm này gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh hơn 1.500 tỷ đồng.
Dự án đã bị khởi tố, nhưng câu hỏi khiến dư luận đặc biệt quan tâm là món tiền mà các ngân hàng rót vào “đại” dự án nhưng nay chỉ mới thu hồi được hơn 200 tỷ đồng, vậy con số thất thoát trên 1.000 tỷ đồng này trách nhiệm thuộc về ai?
Lãnh đạo địa phương và những ngân hàng nào phải chịu trách nhiệm khi đề xuất ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh thế chấp tài sản được hình thành trong tương lai để vay hàng trăm tỷ đồng?
Dự án đã bị khởi tố, nhưng câu hỏi khiến dư luận đặc biệt quan tâm là món tiền mà các ngân hàng rót vào “đại” dự án nhưng nay chỉ mới thu hồi được hơn 200 tỷ đồng, vậy con số thất thoát trên 1.000 tỷ đồng này trách nhiệm thuộc về ai?