Đại diện UBCK: Sẽ giám sát thao túng giá cổ phiếu qua email, điện thoại và tài khoản ngân hàng
Mới đây, bên lề tọa đàm với chủ đề "An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán", chúng tôi có cuộc phỏng vấn riêng với ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ Trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
PV: Các hành vi tạo tin đồn, thao túng giá chứng khoán, phía UBCKNN có biện pháp xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Thọ: Như tôi đã nói, tin đồn trên thị trường chứng khoán vẫn diễn ra. Trong vai trò quản lý giám sát thị trường, cơ quan quản lý cùng với Sở giao dịch Chứng khoán có nhiệm vụ giám sát giao dịch. Trên cơ sở giám sát từ nhiều nguồn thông tin trong đó có cả giám sát tin đồn. Để xác định hành vi thao túng, giao dịch dối trá, chúng tôi xét trên nhiều tiêu chí, các nguồn thông tin khác nhau kể cả thông tin . Chúng tôi phối hợp với các cơ quan công an, quản lý pháp luật để làm rõ các hành vi.
Tuy nhiên, trong chức năng, nhiệm vụ của UBCK là giám sát về vấn đề giao dịch. Có thể việc sử dụng tin đồn, các thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác để có hành vi vì ích lợi của một nhóm cá nhân nào đó. Khi chúng tôi có đầy đủ bằng chứng xác định các hành vi thao túng giá chứng khoán của cá nhân hay tổ chức, chúng tôi đều phải áp dụng các biện pháp xử lý theo pháp luật. Nếu các hành vi đó có dấu hiệu hình sự, vi phạm những điều cấm trong Luật chứng khoán thì sẽ áp dụng theo các quy định pháp luật hình sự về xử lý những hành vi hình sự trong lĩnh vực chứng khoán.
Ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ Trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Phan Quân
Trên thực tế, UBCK đã phối hợp với các cơ quan công an, cơ quan bảo vệ pháp luật, toàn án để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Những hành vi vi phạm xử lý rất nghiêm. Đặc biệt là hành vi vi phạm hành chính thao túng giá chứng khoán. Mức xử phạt hành chính đến 550 triệu và áp dụng các biện pháp thu hồi khoản lời bất chính nếu xác định được các hành vi thao túng đã dẫn đến lời.
Ngoài ra, chúng tôi áp dụng các biện pháp chế tài xử lý hành chính bổ sung. Ví dụ, đối với các nhân viên làm trong lĩnh vực chứng khoán mà tham gia việc thao túng giá chứng khoán, thu hồi chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán.
Trong bộ luật sửa đổi Luật chứng khoán tới đây, chúng tôi cũng đang đưa ra những chế tài mạnh hơn, có thể đối với các tổ chức, các công ty đại chúng, công ty niêm yết, tổ chức phát hành cung cấp thông tin sai sự thực, không kịp thời tuỳ theo mức độ vi phạm thì có thể áp dụng các biện pháp xử lý mang tính chất tăng nặng.
Kinh nghiệm của một số nước trên thị trường chứng khoán, xử lý hành vi tái phạm nhiều lần hành vi thao túng, người ta có thể không cho phép các nhà đầu tư đó giao dịch trên thị trường trong một khoảng thời gian. Đấy là những biện pháp chúng tôi đang kiến nghị để đưa ra trong sửa đổi bộ luật chứng khoán. Chúng ta phải luật hoá những quy định đó, kể cả những quy định về mặt hành chính cũng như quy định về mặt hình sự.
PV: Cơ sở nào để xác định hành vi thao túng?
Ông Nguyễn Thế Thọ: Quy định của pháp luật thì người ta nói là tạo cung cầu giả tạo, tức là giao dịch mà không dẫn đến chuyển quyền sở hữu, cấu kết để tạo ra giao dịch đó. Nơi giám sát trực tiếp là Sở giao dịch Chứng khoán có một bộ tiêu chí giám sát giao dịch bất thường. Ngay cả như chúng tôi học tập nước ngoài, họ cũng có những tiêu chí đánh giá. Nhưng không thể để ai cũng biết. Những tiêu chí chung như tôi đã nói, hành vi tạo cung cầu giả, tạo giao dịch mà không chuyển quyền sở hữu, chúng tôi sẽ phải phối hợp rất nhiều các biện pháp để làm rõ hành vi đấy là hành vi thao túng.
Ví dụ, tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan phụ trách về thông tin (điện thoại, email) rồi cơ quan ngân hàng về vấn đề dòng tiền. Chúng tôi mong muốn có sự phối hợp rất chặt chẽ đặc biệt với cơ quan bảo vệ pháp luật để xác định hành vi đó.
PV: Nhiều nhà đầu tư chứng khoán cho rằng mức xử phạt còn thấp, so với việc những người thao túng giá chứng khoán có thể thu lời hàng ngàn tỉ đồng?
Ông Nguyễn Thế Thọ: Tôi đã nói ngoài mức độ xử phạt như vậy, còn áp dụng những chế tài xử phạt bổ sung. Cũng có ý kiến là những người vi phạm đến mức tái phạm thì bị cấm vĩnh viễn không được giao dịch hoặc hạn chế thời gian diao dịch, hoặc những công ty vi phạm nhiều lần công bố thông tin phải có một chế tài nào đó. Hay nhân viên CTCK hoặc CTCK tham gia vào việc thao túng có thể rút giấy phép, tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, một mặt tăng chế tài, một mặt cũng phải giáo dục tuyên truyền. Bởi vì chúng ta ngăn chặn thì chỉ bằng hình thức xử thật nặng. Nhưng chúng ta không tuyên truyền, không giáo dục để người ta nhận thức được đó là những hành vi vi phạm mà tác động không những đến bản thân các nhà đầu tư, công ty mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế. Tôi cho rằng chúng ta có kinh nghiệm trong việc giao dục tuyên truyền chấp hành luật lệ giao thông, nhưng đồng thời phải kết hợp với răn đe xử phạt.