|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đại diện SSIAM: Quĩ đầu tư PE tạo nguồn doanh nghiệp chất lượng cao IPO, niêm yết trên thị trường chứng khoán

08:00 | 16/10/2020
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Đức Minh, sự đóng góp của các quĩ PE sẽ giúp cho thị trường vốn phát triển lành mạnh hơn, tạo điều kiện huy động vốn cho doanh nghiệp cũng như tạo ra các cơ hội đầu tư khi các doanh nghiệp có chất lượng cao IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thông tin công bố mới đây, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cùng với các đối tác là CT Bright (CTB) thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group) và Mercuria Investment Co., LTD (MIC) thành lập Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Việt Nam (Vietnam Growth Investment Fund – VGIF). 

VGIF là quĩ thành viên đầu tư vào các công ty tư nhân (Private Equity – PE), có qui mô dự kiến 150 triệu USD, kì hạn 10 năm, thời gian đầu tư 5 năm. Để hiểu rõ hơn về chiến lược đầu tư và định hướng của quĩ, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Đầu tư – Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI (SSIAM).

CIO SSIAM: Quĩ đầu tư PE tạo nguồn doanh nghiệp chất lượng cao IPO, niêm yết trên thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Đầu tư SSIAM. Ảnh: SSIAM

Các ông lớn hợp lực tạo giá trị cộng hưởng trong các thương vụ đầu tư PE

PV: Thưa ông, Mới đây, thị trường đón nhận thông tin rằng SSIAM bắt tay hai đối tác ngoại lập quĩ đầu tư vào vốn tư nhân (Private Equity - PE), ông có thể chia sẻ chiến lược đầu tư như qui mô vốn đầu tư vào doanh nghiệp, tỉ trọng ngành nghề trong danh mục, giới hạn số lượng thương vụ của quĩ VGIF?

Ông Nguyễn Đức Minh: Quĩ sẽ tập trung đầu tư vào những ngành nghề đi cùng với sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam - nước có dân số trẻ, tỉ lệ đô thị hóa nhanh và cơ sở hạ tầng kém phát triển, dẫn đến nhu cầu đầu tư lớn trong việc phát triển cơ sợ hạ tầng.

Ngoài ra, VIệt Nam đang nổi lên như một quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhờ chính trị ổn định cũng như môi trường kinh doanh ngày một cải thiện. 

Do đó, các ngành trọng tâm mà quĩ hướng tới bao gồm tiêu dùng, bản lẻ, bất động sản, hạ tầng, sản xuất, công nghệ và cũng không ngoại trừ những cơ hội ở các ngành ở lĩnh vực thiết yếu. 

Mục tiêu của Qũy VGIF tập trung vào 3 điểm chính, gồm các công ty  có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng lớn trong các năm tới; cơ hội niêm yết hoặc tư nhân hóa các công ty nhà nước với định giá hấp dẫn; niêm yết qua PIPEs (Private Investment in Public Equity - đầu tư tư nhân vào cổ phần đại chúng), hoặc spin-offs (tổ chức mẹ thành lập một công ty độc lập bằng cách tách một phần hoạt động kinh doanh của mình ra với kỳ vọng sẽ tạo được giá trị lớn hơn) những công ty con của tập đoàn đã được niêm yết

Quĩ hướng tới qui mô vốn một thương vụ hơn 10 triệu USD và có thể cùng đầu tư với các hệ thống quĩ Private Equity khác trong hệ thống để nâng qui mô vốn tại 1 thương vụ lớn hơn.

PV: Như giới thiệu, VGIF hướng đến cơ hội niêm yết hoặc tư nhân hóa các công ty nhà nước với định giá hấp dẫn, ông có thể chia sẻ rõ hơn về chiến lược này? Nó khác biệt gì với việc mua cổ phần OTC hay hình thức M&A?

Ông Nguyễn Đức Minh: Sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư cũng là một điểm khác biệt của quĩ VGIF so với một số quĩ đơn thuần đầu tư Private Equity trên thị trường. Quĩ có thể tham gia đầu tư trên thị trường niêm yết, cũng như tham gia vào các thương vụ thoái vốn của các công ty nhà nước. 

Với thế mạnh của các GPs (General Partner - Thành viên có quyền quản lí điều hành quĩ) của quĩ, quĩ có thể tham gia tăng cường hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước vốn có nhiều điểm chưa hiệu quả. 

Điểm khác biệt so với việc mua cổ phần OTC (đơn thuần là giao dịch thứ cấp) đến từ việc quĩ luôn hướng đến những giá trị có thể đóng góp cho doanh nghiệp sau khi quĩ thực hiện đầu tư. 

Ngoài ra, quĩ chỉ là nhà đầu tư tài chính nên thông thường chỉ hướng đến một mức độ sở hữu không phải là chi phối của doanh nghiệp và mục đích của quĩ không phải là M&A.

PV: Qua quan sát, với mỗi quĩ đều có khẩu vị riêng và có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Chẳng hạn, VOF – VinaCapital từng có khẩu vị về khách sạn, thực phẩm đồ uống, gần đây là y tế, dược phẩm. Còn với VGIF thì khẩu vị thời điểm hiện tại là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Minh: Về cơ bản, định hướng của chúng tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn và các giá trị quĩ có được, VGIF không tự giới hạn mình ở một số ngành nghề cụ thể mà sẽ linh hoạt tìm kiếm những cơ hội cụ thể mà quĩ cho rằng bản thân doanh nghiệp có sự tăng trưởng tốt trong dài hạn. 

Quá trình hậu đầu tư cũng là điểm khác biệt của quĩ với danh mục về các khoản đầu tư active của SSIAM trước đây với việc tham gia đồng hành và tạo giá trị cho các khoản đầu tư trong danh mục. 

Ngoài ra, lợi thế tư việc tạo ra synergy (sự cộng hưởng - PV) từ hệ thống và kinh nghiệm trong chuỗi ngành nông nghiệp, bán lẻ, thực phẩm của CP cũng như mạng lưới và năng lực của DBJ là vô cùng lớn hỗ trợ cho sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp.

PV: Với một hệ sinh thái khép kín và có nhiều kinh nghiệm trên thị trường vốn như Chứng khoán SSI, liệu đích đến của các thương vụ đầu tư có phải là IPO, niêm yết thay vì chuyển nhượng lô lớn như nhiều quĩ hay thực hiện?

Ông Nguyễn Đức Minh: Chiến lược thoái vốn của quĩ cũng tương đối linh hoạt, ngoài việc bán khi IPO, quĩ có thể thoái vốn khi doanh nghiệp niêm yết hoặc có thể thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt khi quĩ hay tổ hợp quĩ có mức sở hữu đủ lớn. 

Cho dù là dưới hình thức thoái vốn nào nào, thì chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm trên thị trường vốn của SSI, doanh nghiệp sẽ được chuẩn bị một cách tốt nhất từ minh bạch tài chính, quản trị doanh nghiệp, quan hệ nhà đầu tư, cũng như giúp doanh nghiệp hoạch định giá trị kỳ vọng khi đại chúng hóa.

Các hoạt động trên giúp cho doanh nghiệp có sự chuẩn bị sẵn sàng và thực sự mang lại hiệu quả lâu dài của doanh nghiệp kể cả sau khi quĩ đã thực hiện thoái vốn.

CIO SSIAM: Quĩ đầu tư PE tạo nguồn doanh nghiệp chất lượng cao IPO, niêm yết trên thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Quĩ đầu tư PE tạo ra các cơ hội đầu tư khi các doanh nghiệp có chất lượng cao IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Quĩ đầu tư PE góp phần tạo ra các cơ hội đầu tư khi các doanh nghiệp có chất lượng cao IPO và niêm yết

PV: Ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng đầu tư PE tại Việt Nam? Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức về vốn, nhân sự, thậm chí là thị trường do COVID-19, liệu đây có phải thời điểm tốt cho việc đàm phán các thương vụ?

Ông Nguyễn Đức Minh: Trong những năm gần đây, thị trường PE của Việt Nam nói chung đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và đang là kênh huy động vốn tốt của các doanh nghiệp tư nhân.

Sự đóng góp của các quĩ PE sẽ giúp cho thị trường vốn phát triển lành mạnh hơn, tạo điều kiện huy động vốn cho doanh nghiệp cũng như tạo ra các cơ hội đầu tư khi các doanh nghiệp có chất lượng cao IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp đang có nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đi cùng với đó cũng là nhiều cơ hội đầu tư cho quĩ và cho chính bản thân doanh nghiệp. 

Việc huy động vốn từ một nguồn khác thay vì phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng trong những năm gần đây. Đặc biệt là giai đoạn hiện tại khi việc giải ngân của ngân hàng có phần hạn chế do lo ngại rủi ro trong dịch.

Nguồn vốn quĩ giúp cho doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn vốn, tiếp cận nguồn vốn dài hạn hơn cũng như tim được một đối tác về tài chính, quản trị và kể cả nhân lực đồng hành trong quá trình phát triển của mình.

PV: Cuối cùng, công bằng để nói rằng VGIF là một tên tuổi mới, nhiều quĩ trước đó đã có nhiều kinh nghiệm “săn hàng” và đã có những thành công nhất định khi đầu tư vào PE. Theo ông, điều gì tạo nên sự khác biệt trong các thương vụ nếu như VGIF hiện diện?

Ông Nguyễn Đức Minh: Sự khác biệt của VGIF chính là sự kết hợp của 3 định chế hàng đầu của ở Nhật Bản (Là DBJ), THái lan (CP group) và Việt Nam (SSI). CP và DBJ đều là những tên tuổi lớn trên thị trường quốc tế. 

CP Group là tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Thái Lan, đồng thời là một trong những nhà sản xuất và phân phối thực phẩm lớn nhất thế giới với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp/thực phẩm/bán lẻ. 

Trong khi đó, DBJ là Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, trực thuộc Chính Phủ Nhật Bản với tiềm lực tài chính vững mạnh, mạng lưới toàn cầu và năng lực quản lý đầu tư tài chính tại nhiều thị trường, đặc biệt là khu vực ASEAN, Trung Quốc. SSI là công ty chứng khoán thị phần số 1 trong nước với uy tin cao và mạng lưới khách hàng rộng lớn.

Với tư cách là đối tác trong nước có kinh nghiệm và mạng lưới rộng lớn từ SSI, SSIAM sẽ đóng vai trò tìm kiếm (deal sourcing) và chuẩn bị những đánh giá ban đầu trong quá trình thẩm định các khoản đầu tư. 

Quá trình thẩm định tiếp theo sẽ là sự phối hợp giữa ba bên, có sự đánh giá kĩ lưỡng cũng như mang lại giá trị cho khoản đầu tư sau khi việc đầu tư được thực hiện. 

Quá trình hậu đầu tư cũng sẽ là điểm khác biệt của quĩ với track record (danh mục) về các khoản đầu tư active của SSIAM trước đây với việc tham gia đồng hành và tạo giá trị cho các khoản đầu tư trong danh mục.

Với kinh nghiệp hàng đầu trong thị trường vốn tại Việt Nam, doanh nghiệp cũng sẽ được trang bị đầy đủ hành trang cho việc đại chúng hóa và tiếp tục quá trình phát triển của mình kể sau sau khi quĩ thực hiện thoái vốn.

Sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư của quĩ cũng là một điểm khác biệt giữa quĩ và một số quĩ đơn thuần làm private equity trên thị trường.

Xin cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!

Lợi Hoàng