|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đại diện Nam Việt: Giá cá tra sẽ không tăng quá cao thời gian tới

10:32 | 09/09/2019
Chia sẻ
Mặc dù giá cá tra năm 2019 liên tục giảm mạnh, Nam Việt vẫn kì vọng đạt được kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm nhằm có "câu trả lời" tốt cho các nhà đầu tư.

Nếu như năm 2018, người nuôi cá tra "ăn mừng" khi giá đạt ngưỡng kỉ lục, có lúc người dân lãi trên 10.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu, niềm vui ấy không kéo dài bao lâu thì giá cá tra liên tục giảm và người dân phải chịu lỗ.  

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, điều này đã ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh? 

Để trả lời cho câu hỏi này, bên lề hội trợ thủy sản Vietfish, chúng tôi đã có buổi trao đổi ngắn với ông Doãn Chí Thiên, thành viên hội đồng quản trị Công ty CP Nam Việt.

Giá cá tra vừa qua liên tục giảm mạnh, ông đánh giá thế nào về xu hướng giá trong thời gian tới?

Chu kì cung cầu luôn xảy ra với bất cứ ngành nào và cá tra cũng vậy. Quay trở lại năm 2018, thị trường cá tra thiếu hụt lượng lớn nguồn cung cá nguyên liệu. Đó cũng là lí do tại sao có thời điểm giá cá tra đạt ngưỡng kỉ lục 36.000 đồng/kg. 

Điều này khiến bà con đổ xô nuôi cá tra. Thêm vào đó, năm nay, các nhà máy cũng đẩy mạnh sản xuất. Nguồn cung dư cộng thêm nhu cầu thị trường đi xuống gây áp lực lên giá. 

Cá nhân tôi cho rằng trong thời gian tới, giá cá tra sẽ không tăng quá cao nhưng cũng không thể xuống sâu hơn được nữa bởi đây là mức giá "đáy".

Vậy câu hỏi đặt ra là người dân có giảm nuôi không? Tôi cho rằng người dân chắc chắn sẽ giảm nuôi vì các nhà máy hiện tại đã mở rộng vùng nguyên liệu rất nhiều nhằm tự cung cấp cá cho mình, đồng thời dễ dàng kiểm soát chất lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường.

Với mức giá hiện tại, người nuôi đã lỗ khoảng 2.000 đồng/kg.

Nam Việt đã tự chủ 100% nguồn cá nguyên liệu, tuy nhiên, thời gian qua, khi giá cá tra giảm quá mạnh, Nam Việt đã hỗ trợ thu mua một phần cho bà con.

Vừa qua, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, điều này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của công ty?

Thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ 22% lượng cá tra xuất khẩu của Nam Việt. Do đó, việc nước này phá giá đồng nhân dân tệ cũng đã gây khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của công ty. Cụ thể, giá cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc đắt hơn và lượng tiêu thụ cũng ít hơn.

Trước việc này doanh nghiệp buộc phải có động thái giảm giá nhằm giữ thị trường.

ca-tra

Sản phẩm cá tra nguyên con của Nam Việt. (Nguồn: Nam Việt)

Thời gian tới, Nam Việt có coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm không? Kế hoạch mở rộng thị trường của công thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều cá tra của Nam Việt nhất, tiếp đó là Mexico, Colombia, Nam Mỹ, Trung Quốc. Thời gian tới, Nam Việt rất muốn khai thác thị trường Trung Đông, Ấn Độ và Nhật Bản. 

Hiện tại, nguồn cung của Nam Việt vẫn chưa đủ cầu ở các thị trường này.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-08 lúc 13

Thị phần cá tra của Nam Việt trong 7 tháng đầu năm. Nguồn: Navicorp

Đồng thời, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng được xem là cơ hội tốt cho Nam Việt khi thuế được giảm xuống, từ đó giá cá tra của công ty nói riêng và Việt Nam nói chung cạnh tranh hơn.

Mặc dù, xuất khẩu cá tra sang châu Âu tăng trưởng không quá nóng nhưng doanh nghiệp cũng đã có nền tảng tại thị trường này. Tuy nhiên, quan điểm của công ty là không quá tập trung vào một thị trường nào, thay vào đó trải đều ở các thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro.

Phải chăng Nam Việt đang "bỏ ngỏ" thị trường nội địa, thưa ông?

Thực tế, lượng tiêu thụ cá tra trong nước vẫn còn ở mức hạn chế do đặc điểm địa hình Việt Nam có nhiều ao hồ, sông, ngòi,... Do đó, lựa chọn về thủy sản của người dân cũng đa dạng hơn.

Hơn thế nữa, khác với các nước châu Âu, nhu cầu cá thịt trắng chế biến sẵn hoặc bán thành phẩm của Việt Nam không lớn như ở thị trường châu Âu, Mỹ...

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Nam Việt cũng có kế hoạch phân phối cá tra tại các trung tâm chợ đầu mối nhưng khối lượng khá nhỏ. 

Đối với sản phẩm cá tra đóng túi tiêu thụ ở trong nước, Nam Việt vẫn chưa có kế hoạch nhưng cũng có định hướng sẽ xây dựng vào năm 2021.

Công ty đã có kế hoạch thế nào đối với các sản phẩm chế biến sâu cũng như việc nuôi trồng cá tra?

Hiện nay Nam Việt có 5 phân khúc sản phẩm và mỗi phân khúc công ty đều có kế hoạch đầu tư từ con giống, vùng nuôi, sản xuất đến cuỗi cung ứng cuối cùng.

Đặc biệt đối với sản phẩm collagen triết xuất từ da cá tra, công ty sẽ hợp tác và đầu tư; đồng thời, có vùng nuôi áp dụng máy móc để giảm sức người và chi phí sản xuất.

Trước bối cảnh giá cá tra vẫn thấp như hiện nay, liệu công ty có đạt kế hoạch kinh doanh đã đề ra?

Tháng 7, giá cá tra bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Nam Việt vẫn kì vọng đạt được kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm.

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 66,6 triệu USD, tăng 11%. Doanh thu thuần đạt 1.975 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kì năm ngoái. Lãi sau thuế 353 tỉ đồng, gấp 1,8 lần cùng kì và bằng 50% kế hoạch năm.

Năm 2019 Nam Việt đặt mục tiêu tổng doanh thu là 6.000 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế 700 tỉ đồng.

Hiện Công ty có 24 vùng nuôi và vùng liên kết tổng diện tích nuôi cá tra hơn 300cha, với tổng năng suất 120.000 tấn cá thịt nguyên liệu/ năm và trại cá giống có thể cung cấp 14 tỉ con dựa trên 20.000 cá bố mẹ.

Bên cạnh đó vùng nuôi cá rô phi được xây dựng trên sông với hơn 4.000 vèo cho ra hơn 80.000 tấn cá thịt/năm.

Đức Quỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.