|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đại diện Bộ TN&MT bác ý kiến cho rằng văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho condotel không có gì mới

14:40 | 27/02/2020
Chia sẻ
Theo Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai, công văn số 703 là văn bản hướng dẫn của Bộ TNMT trên cơ sở tổng hợp, hệ thống lại các qui định để đi tới chỉ dẫn cách thức cấp Giấy chứng nhận cho loại hình bất động sản mới và lấy đó làm căn cứ để áp dụng cho việc quản lí.

Tọa đàm trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay (27/2), các diễn giả đã có phần phản biện xoay quanh văn bản số 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.

Cụ thể, theo GS.Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trên cơ sở văn bản 703 của Bộ TN&MT thì condotel nghĩa là một khách sạn toàn căn hộ. Nếu hiểu như vậy thì tiêu chuẩn kĩ thuật sẽ lấy tiêu chuẩn của khách sạn áp dụng và đầu tư cũng sẽ dùng cách thức của đầu tư khách sạn.... Như vậy,  nếu quan niệm condotel là một khách sạn toàn căn hộ thì đã có khung pháp lí rồi.

"Vấn đề là nếu tiếp cận condotel bằng cách hiểu là khách sạn toàn căn hộ liệu có giải phóng cho thị trường không? Luật Đất đai đã có khung pháp lí cho một thửa đất sử dụng đa mục đích. Vậy tại sao chúng ta không tiếp cận ở góc độ sử dụng đa mục đích?", ông Võ nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này đánh giá, văn bản 703 do Bộ TN&MT ban hành mới đây hoàn toàn đúng với pháp luật hiện hành nhưng vẫn chưa thật sự tháo gỡ được sự “chật hẹp” của hành lang pháp lí hiện hành về condotel. Do đó, cần phải nới rộng "áo" pháp luật ra.

Còn luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông thì cho rằng, công văn của Bộ TNMT không có gì mới, nó không phải là một văn phản qui phạm pháp luật mà chỉ là một văn bản hướng dẫn.

Đại diện Bộ TN&MT bác ý kiến cho rằng văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho condotel không có gì mới - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Theo ông Huế, từ trước đến nay, Việt Nam hô hào phấn đấu đạt tăng trưởng du lịch cao, nhưng lại chưa có số liệu về việc phát triển condotel nói riêng. Trong khi đó, doanh nghiệp cần dữ liệu để quyết định đầu tư, địa phương thì cần dữ liệu để quyết định cấp phép cho các dự án condotel.

"Do đó, tôi cho rằng chúng ta đang chạy theo cái ngọn chứ chưa phải cái gốc của vấn đề. Chúng tôi đang tiếp nhận 20 vụ việc liên quan dự án condotel. Với những mập mờ về pháp lí, mập mờ về quản lí khai thác hiện nay, tôi rút ra 3 điều: Một là nhà đầu tư thứ cấp thua thiệt, hai là Nhà nước thua thiệt, ba là chỉ có chủ đầu tư hưởng lợi. Như vậy, phát triển loại hình này không thể bền vững", ông Huế nói.

Vị luật sư này nhận định, nếu không có hành lang pháp lí thì trong vòng 5 năm tới thị trường condotel sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là vỡ trận.

Bên cạnh đó, theo ông Huế, cũng vì thành tích kêu gọi đầu tư cho địa phương, sức ép ngân sách, các tỉnh cấp phép hàng loạt dự án, đẩy nhà đầu tư vào tình thế bị "đem con bỏ chợ". Vì thế, theo tôi cần thiết phải làm rõ khung pháp lí cho mô hình bất động sản này.

Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Đình Khiêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Vietstar Land cho rằng, văn bản 703 của Bộ TN&MT đã tạo ra cho thị trường một tâm lí tốt. Bởi văn bản giải tỏa được hai vấn đề là chủ đầu tư được cấp dự án đất lâu dà, đồng nghĩa sẽ được cấp cho khách hàng một tòa condotel với mức thời hạn sử dụng dài tới 50 năm.

"Tôi nhận thấy năng lực uy tín của chủ đầu tư là vấn đề quan trọng hàng đầu khi chính họ đứng ra vận hành condotel và đảm bảo cam kết với các nhà đầu tư thứ cấp. Condootel nếu được trả về giá trị cốt lõi, giá trị thật với những chủ đầu tư uy tín, có với hệ sinh thái tốt sẽ là bảo chứng lớn nhất cho khách hàng", ông Khiêm cho nhận định.

Về vấn đề pháp lí, theo Tổng Giám đốc Vietstar Land, hiện condotel đã có thể được cấp giấy chứng nhận sở hữu lên đến 50 - 70 năm, còn dự án có được cấp sổ đỏ lâu dài hay không thì sau này cần đợi các qui định pháp luật tiếp theo.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì?

Đại diện Bộ TN&MT bác ý kiến cho rằng văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho condotel không có gì mới - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Liên quan đến vấn đề trên, bà Phạm Thị Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai, Bộ TN&MT cho biết, nội dung văn bản 703 để thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch - condotel, biệt thự du lịch - resort villa, văn phòng kết hợp lưu trú - officetel...) theo đúng qui định của pháp luật.

Theo bà Thịnh, khi công văn 703 được đưa ra thì đa phần nhận được sự đón nhận hào hứng của dư luận. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến nghi ngại về nội dung của công văn và cho rằng công văn không có gì mới.

"Tôi xin được làm rõ, công văn số 703 là văn bản hướng dẫn của Bộ TNMT trên cơ sở tổng hợp, hệ thống lại các qui định để đi tới chỉ dẫn cách thức cấp Giấy chứng nhận cho loại hình bất động sản mới và lấy đó làm căn cứ để áp dụng cho việc quản lí", Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai nói.

Cũng theo vị này, đã có trường hợp một số địa phương áp dụng phương thức đất ở không hình thành đơn vị ở. Điều này vượt quá khuôn khổ của pháp luật. Nếu là đã đất ở thì qui hoạch sử dụng phải là đất ở , được duyệt qui hoạch thì phải có qui mô dân số, các điều kiện nhu cầu cho đất ở...

"Đất ở không hình thành đơn vị ở là không thực tế, khái niệm này dễ dấn đến sự mù mờ thông tin gữa các nhà đầu tư thứ cấp, sơ cấp và khách hàng. Vì vậy, việc minh bạch thông tin đầu vào sẽ giúp các nhà đầu tư, khách hàng tiếp cận tốt hơn khi đầu tư thị trường này", bà Thịnh nhấn mạnh.

Ngày 14/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình BĐS mới (căn hộ du lịch - condotel, biệt thự du lịch - resort villa, văn phòng kết hợp lưu trú - officetel...) theo đúng qui định của pháp luật.

Cụ thể, theo qui định tại Điều 48 của Luật Du lịch năm 2017 thì căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch và việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống quy định tại Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27 ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Theo qui định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai và qui định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 27 ngày 14/12/ 2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT qui định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ.

Về chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ đã được qui định tại Điều 153 của Luật Đất đai; thời hạn sử dụng đất được qui định tại Khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai, theo đó thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm.

Còn đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì theo văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất.

Hà Lê