Đại diện Bộ Tài chính: Doanh nghiệp bảo hiểm cần chú trọng hơn đến chất lượng dịch vụ, không để khách hàng đơn độc với các hợp đồng 'mồ côi'
Tại tọa đàm "Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ", Bà Phạm Thị Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho rằng đơn vị kinh doanh bảo hiểm cần rà soát, chú trọng hơn nữa đến chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Không để tình trạng các hợp đồng bảo hiểm “mồ côi” khi đại lý tư vấn/nhân viên ngân hàng khai thác hợp đồng đã nghỉ việc như phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây.
Đồng thời có các hình thức liên lạc thường xuyên với khách hàng để cung cấp thông tin về tình trạng hợp đồng bảo hiểm (đóng phí bảo hiểm, giá trị tài khoản (nếu có),…) và các thông tin thay đổi liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định pháp luật...
Theo đại diện Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm nên rà soát quy trình thẩm định, phát hành hợp đồng bảo hiểm để có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng đại lý tư vấn bảo hiểm để hạn chế tình trạng đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm thong qua các hình thức kiểm tra chéo chất lượng tư vấn của đại lý bảo hiểm, kịp thời giải đáp cho khách hàng các thông tin, thắc mắc về hợp đồng bảo hiểm trong thời gian cân nhắc bảo hiểm (21 ngày).
Về phía ngân hàng, bà Phương cho rằng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng và xử lý các kiến nghị, khiếu nại của khách hàng kịp thời và thỏa đáng.
Ngân hàng phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, không chỉ đạo/định hướng cho nhân viên ngân hàng làm đại lý ép buộc người gửi tiền/vay vốn mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; trường hợp nhân viên ngân hàng có vi phạm cần phải xử lý nghiêm.
Cần ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn nhân viên thực hiện hoạt động đại lý, các biện pháp xử lý đối với các nhân viên thực hiện hoạt động đại lý trong trường hợp vi phạm.
Tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp có bán bảo hiểm qua ngân hàng trong năm 2023
Ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh từ báo chí và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng; rà soát tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm đảm bảo thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thưc hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của ngân hàng.
Thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.
Về phía Bộ Tài chính, bà Phương cho biết việc xử lý nghiêm các vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo hiểm không phải là quan điểm mà là trách nhiệm cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm phải thực hiện, nhằm đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của thị trường và bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm.
Việc thanh tra, kiểm tra về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là chuyên đề ưu tiên được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện từ tháng 9/2022.
Trong năm 2023, Cục Quản lý bảo hiểm sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm có bán bảo hiểm qua ngân hàng; phối hợp với ngân hàng nhà nước để thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.