Có dấu hiệu ngân hàng tuồn dữ liệu khách hàng cho tín dụng đen
NHNN: Cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tín dụng đen, rửa tiền, tài trợ khủng bố | |
Trấn áp tín dụng đen |
Ảnh minh hoạ. |
Trong "Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen" sáng 26/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã cùng với các cơ quan liên quan đã tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền là khoảng 117 tỉ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Theo nhận định của ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công An, tín dụng đen đã có từ rất lâu nhưng ở thời điểm gần đây được sự quan tâm nhiều của Chính phủ và Quốc hội. Hiện các băng nhóm hoạt động tín dụng đen hoạt động mạnh ở Tây nguyên và các vùng nông thôn, đây là các địa phương tập trung nhiều hoạt động tín dụng đen vì trồng cây nông nghiệp, công nghiệp nhưng mất mùa đẩy nhu cầu vốn lên cao.
"Tín dụng đen được ví như cướp ngày, càn quét Tây nguyên vùng sâu vùng xa, núp bóng cơ sở kinh doanh, đòi nợ thuê, công ty tài chính cấp phép hoặc chưa được cấp. Đa phần là người có nhu cầu vay vốn tiêu dùng, sản xuất", ông nói.
Ông cho biết đến cuối năm 2018, 84 vụ giết người 855 cố ý gây thương tích 1.309 vụ chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Hiện cơ quan điều tra đang thống kê số lượng các tổ chức tín dụng đen còn hoạt động và sắp tới sẽ đưa ra con số cụ thể.
Cùng với đó, nhiều vấn đề bất cập xung quanh liên quan đến "tín dụng đen" như: nhiều công ty đòi nợ thuê cấp phép hoặc không phép trá hình Tổ chức cho vay tín dụng đen sử dụng thủ đoạn như biến tướng bằng hợp đồng; người đi vay cần tiền làm hợp đồng mua bán đứt và ra công chứng xác nhận hợp đồng; phòng công chứng tiếp tay cho bên cho vay,...
Ông Tám cũng chỉ ra rằng tín dụng đen vẫn tiếp tục là do người dân quẫn bách thiếu thông tin về tài chính, nhiều người hám lợi nên cho vay, tham gia trung gian huy động vốn người thân bạn bè để cho vay lại lãi suất cao hơn. Bộ phận nhỏ thanh thiếu niên cờ bạc vay, trong đó không ít là cán bộ công nhân viên chức nhà nước.
Ông nhận định hình phạt hiện tại còn nhẹ chưa đủ sức răn đe trong khi lợi nhuận tín dụng đen mang về cao gấp nhiều lần số phạt. Đồng thời chưa có qui định chế tài về vay tín chấp không thế chấp tài sản.
Về giải pháp cải thiện việc xử lí tín dụng đen, ông cho rằng cần huy động cả lực lượng chính trị, không chỉ riêng Bộ Công an. Hiện tại Bộ đã được Thủ tướng giao để ban hành dự thảo Chỉ thị đấu tranh phòng ngừa tội phạm liên quan tín dụng đen. Cùng với đó, các ngân hàng cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng nhằm phát triển tín dụng chính thức.
Ông đặc biệt lưu ý việc giáo dục chính trị tư tưởng và phẩm chất đạo đức của cán bộ ngân hàng.
"Hiện nay Bộ Công an muốn tìm hiểu thông tin về khách mà ngân hàng đang quản lí rất khó khăn nếu như chưa thành lập án. Thế nhưng qua xử lý một số vụ án băng nhóm tín dụng đen thì các gói data có dấu hiệu là đưa ra từ ngân hàng, hàng trăm nghìn khách hàng như vụ CTTC Thăng Long... Chúng tôi cho là cũng từ ngân hàng mà ra và vấn đề là giáo dục tư tưởng phẩm chất đạo đức và tiêu cực trong cán bộ ngân hàng", ông nói.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Thống đốc NHNN chỉ đạo các chi nhánh và các ngân hàng thương mại hỗ trợ trong những vụ án mà cần yêu cầu giám định về xác định lãi suất. Bởi vì hiện tại nghiệp vụ này đang còn chậm, như vụ ở Thanh Hoá, gần 2 tháng sau mới có được kết quả và đến khi thi hành lệnh bắt thì đối tượng đã trốn mất.