Đại biểu TP HCM: 'Thu hồi đất không còn là điểm nóng, mà đang sôi'
Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội kỳ họp HĐND TP HCM ngày 7/12, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê nói rằng, với dự toán thu ngân sách được giao là gần 348.000 tỷ đồng - tương đương mỗi ngày thành phố phải thu gần 1.000 tỷ để hoàn thành chỉ tiêu, là con số lớn cần phải có sự nỗ lực của cả thành phố, nhất là sự chung sức của cử tri.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cũng như đạt được tốc độ tăng trưởng đề ra, ông đề nghị thành phố phải quyết liệt hơn trong việc thu hồi mặt bằng, kho bãi của các cơ quan Trung ương cũng như địa phương khác trên địa bàn TP HCM để bổ sung quỹ đất, tạo nguồn thu phục vụ việc phát triển chứ không chỉ thu hồi đất của dân.
Theo ông, việc thu hồi đất trên địa bàn không còn là "điểm nóng" như lâu nay vẫn gọi mà đang trở thành "điểm sôi" như ở Khu đô thị Thủ Thiêm, chung cư Cô Giang hay ở Thủ Đức, quận 9.
"Chính quyền đi đến mục tiêu an sinh xã hội, mang lại sự tốt đẹp cho người dân, song một bộ phận cán bộ ở cơ sở chưa nắm được. Thậm chí nhiều cán bộ vô cảm, thiếu trách nhiệm gây bức xúc cho bà con cử tri", ông Khuê nói và đề nghị thành phố tổ chức hội nghị các sở ngành đưa ra giải pháp để cử tri chia sẻ, tạo sự đồng thuận.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê (Ảnh: T.N) |
Cũng theo ông Khuê, các báo cáo cần chỉ thẳng, nêu tên cụ thể những khó khăn, hạn chế để tìm giải pháp căn cơ, tổng thể không lặp đi lặp lại như các báo cáo trước. Mặt khác, cần xem xét kỹ giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên.
Cũng quan tâm vấn đề thu ngân sách, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy (quận Thủ Đức) đề nghị thành phố phải giảm chi và tăng nguồn thu hơn nữa. Bà dẫn chứng việc trợ giá cho xe buýt mất ngân sách lớn nhưng không đem lại nguồn thu, không tạo được động lực cho các đơn vị kinh doanh cải tiến chất lượng dịch vụ, dẫn đến số lượt hành khách sử dụng xe buýt giảm liên tiếp các năm qua. Sở Giao thông Vận tải nên có cách tính trợ giá trên kết quả đầu ra - tức hỗ trợ cho người trực tiếp sử dụng dịch vụ thay vì dựa trên chi phí đầu vào như hiện nay.
"Về giải pháp dài hạn, phải tập trung vào nguồn thu bền vững là các doanh nghiệp. Cần phải có các giải pháp tập trung cho các doanh nghiệp dẫn đầu, có tiềm năng sản xuất sản phẩm thay thế các sản phẩm mà thành phố đang nhập siêu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho khởi nghiệp, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh không hiệu quả", bà Ngọc Thúy đề nghị.
Tại buổi thảo luận, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng nhìn nhận các đại biểu băn khoăn về nhiệm vụ thu ngân sách là đúng, vì từ năm sau tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM từ 23% xuống còn 18%.
Theo bà Thắng, TP HCM đóng góp gần 1/3 ngân sách cả nước, nhưng chi thì chỉ 5% tổng chi ngân sách. Năm 2016 dù được giao dự toán thu ngân sách rất cao nhưng đến nay "có thể nói thành phố chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ với hơn 303.000 tỷ đồng".
"Trong năm tới thành phố được giao thu ngân sách 348.000 tỷ đồng, tăng hơn 49.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Vì vậy Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND thành phố nhiều giải pháp để tăng thu ngân sách", bà Thắng nói và cho biết thành phố sẽ thu một số phí, lệ phí mà trước đây chưa quyết mức thu như phí xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; cố gắng giải ngân các khoản vay ưu đãi; khai thác từ nguồn thu quảng cáo trên toàn bộ hơn 2.000 xe buýt, trên các tuyến đường; rà soát quỹ nhà đất bán đấu giá để tạo nguồn thu, làm nguồn quỹ đất cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
"Thành phố sẽ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 100%. Theo quy định khoản này sẽ phải nộp về Trung ương nhưng mới đây Thủ tướng đã đồng ý cho TP HCM làm đề án xem xét giữ nguồn vốn này và UBND thành phố đã gửi đề án cho Chính phủ", bà Thắng cho biết.