Đại biểu Quốc hội lo ngại di tích Hồ Gươm bị tàu điện ngầm xâm phạm
Xây ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm: 'Trước nhà hát Opera Paris cũng có ga tàu điện ngầm' |
Đại biểu Triệu Thế Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, kiến trúc là văn hoá nghệ thuật và kỹ thuật, phản ánh trực tiếp sự phát triển văn hoá, đời sống của con người. Không phải kiến trúc tạo nên môi trường mà môi trường tạo nên kiến trúc.
Theo ông Hùng, các dự án kiến trúc gần đây còn nặng về giá trị kinh tế và lợi ích cục bộ hơn là bản sắc văn hoá. Đặc biệt, vừa qua nhiều công trình kiến trúc di sản văn hóa có thể bị xâm phạm.
Ông Hùng dẫn dụ cụm di tích ở Hồ Gươm (Hà Nội), được coi như trái tim của cả nước. Theo khoa học, địa lý thì đây là long mạch giữ ổn định và thịnh vượng cho quốc gia, được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt. Đến nay đang dự kiến có đường tàu điện ngầm C9 rất cao và to trên 20 mét, đỉnh nóc cách cụm di tích đài nghiên tháp bút vài mét.
“Không ai dám khẳng định khi thi công và vận hành đường tàu này có gây sụt lở hay ảnh hưởng đến cụm di tích không”, ông nói.
Đi theo đó có nhà ga C3 mà theo ông Hùng, đây là kiến trúc “không giống Tàu cũng chẳng giống Tây”, hoàn toàn xa lạ với người Việt. Đặc biệt nhà ga này nằm trong vành đai 2 được bảo vệ bởi Luật Di sản. Dự kiến sau khi hoàn thành có 5.000 người đổ về đây… “Như thế có giữ được cảnh quan của di sản cấp quốc gia đặc biệt này hay không”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Theo đại biểu, hiểm hoạ môi trường sống hiện tỷ lệ thuận với đầu tư xây dựng kiến trúc và phát triển đô thị. Dường như thiên nhiên đang trả thù con người về xây dựng bừa vãi. Chính vì vậy, ông Hùng đề nghị dự án luật cần quan tâm đến giá trị văn hoá nghệ thuật, kỹ thuật của kiến trúc.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đánh giá, đây là luật khó, thể hiện ở tính chất chuyên sâu. Nếu đưa ra công cụ quản lý chặt sẽ không phát huy được sự thăng hoa, sáng tạo của kiến trúc sư. Còn nếu quy định lỏng lẻo sẽ không khắc phục được tình trạng tùy hứng, thiếu thẩm mỹ như thời gian qua. Đồng thời phải đảm bảo sự đồng bộ thống nhất, không xung đột với các luật khác và tránh bị hạn chế bởi các luật khác.
Để có căn cứ thuyết phục, theo bà Hoa, ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể, khách quan hoạt động kiến trúc thời gian qua, xem kiến trúc đô thị, nông thông như thế nào, rồi kiến trúc phố cổ ra sao… Đại biểu cũng cho rằng, hoạt động kiến trúc không chỉ kế thừa yếu tố truyền thống mà phải bảo tồn kiến trúc có tính văn hóa cao, đảm bảo tính thẩm mỹ, văn hóa và kinh tế.
Xem thêm |