|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu Quốc hội lo cơn lốc Temu triệt tiêu hàng nội

14:16 | 26/10/2024
Chia sẻ
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại hàng giá rẻ bán trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, như Temu, Shein tràn vào Việt Nam và đe dọa hàng hóa, doanh nghiệp nội địa.

Tại phiên họp tổ về kinh tế xã hội sáng 26/10, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan ngại khi hàng giá rẻ bán trên các sàn thương mại điện tử quốc tế đang tràn vào Việt Nam khi chưa được cấp phép hoạt động. Theo ông, "cơn lốc" hàng giá rẻ nước ngoài đe dọa doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa công bố chính thức vào Việt Nam, nhưng người dùng có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Hình thức kinh doanh của các sàn thương mại điện tử như Temu là kết nối trực tiếp người mua hàng với nhà sản xuất. Mô hình bán hàng giá rẻ tận xưởng giúp họ thu hút tập người dùng tìm kiếm sản phẩm giá rẻ.

Trong thời gian đầu, hàng bán trên nền tảng này được quảng cáo rầm rộ, giảm tới 70-90%, vận chuyển vào Việt Nam qua các doanh nghiệp hậu cần của Trung Quốc, là Best Express và Ninja Van.

Trước đó, những nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc khác như Taobao, 1688, Shein đã tiếp cận thị trường Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nói "đây là sự cảnh báo rất lớn", bởi sản phẩm giá rẻ nước ngoài tràn vào qua kênh này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách. (Ảnh: Hoàng Phong).

9 tháng đầu năm, doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy Trà Vinh, dữ liệu này cho thấy kinh doanh qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử tiếp tục nở rộ, tăng nhanh.

Nhưng ông đặt vấn đề, hàng Việt chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong 28 tỷ USD này, nguồn gốc xuất xứ thế nào, hay chúng ta phải trả phần lớn số tiền ấy cho hàng giá rẻ từ nước ngoài.

Ông Tuấn nhìn nhận hàng giá rẻ nước ngoài với chi phí logistics thấp, bán trên các sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua hàng giá rẻ, thậm chí siêu rẻ "chỉ qua vài click chuột". Ngược lại, mặt tiêu cực là nó "đang khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước chết mòn". Lý do, hàng Việt không thể cạnh tranh về giá, mẫu mã.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.

Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay thực tế vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này. "Bộ Công Thương đang tăng giám sát và làm việc với các bên để đảm bảo các nền tảng tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước", cơ quan này cho biết.

Ông Cường đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, khi để xảy ra hiện tượng các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa xin phép nhưng hoạt động rầm rộ ở Việt Nam.

"Chúng ta cần hành động, phải kiểm soát về chất lượng hàng hóa, chứ không thể buông lỏng", ông Cường nói thêm.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu ở họp tổ, sáng 26/10. (Ảnh: Anh Minh).

Thực tế, trước cơn lốc hàng giá rẻ của Temu, nhiều nước dè chừng. Indonesia ra lệnh cấm, Thái Lan tăng thuế còn Âu - Mỹ định siết các quy định hoạt động và nhập khẩu. Với Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhiều người tiêu dùng đều lo ngại về lỗ hổng pháp lý này đang mở đường cho hàng giá rẻ bên ngoài tràn vào nội địa.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu, ông Phan Đức Hiếu nói không nên cấm các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, như Temu hay Shein. "Tuy vậy, Chính phủ cần rà soát hoạt động này để có biện pháp về thuế, quy tắc xuất xứ, xuất nhập khẩu để đảm bảo thương mại công bằng", ông nói.

Bởi, cùng một mặt hàng, doanh nghiệp Việt nhập khẩu về sẽ phải nộp thuế, ghi nhãn xuất xứ, nhưng nếu bán qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu hay Shein thì không.

"Cơ quan quản lý rà soát toàn bộ hoạt động này, để có biện pháp phòng vệ thương mại theo luật Việt Nam, quốc tế. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ cần có giải pháp ngay", ông nói thêm.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường đề nghị cơ quan quản lý cần xem lại giải pháp về hàng rào thuế quan, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước. Cụ thể, nhà chức trách cần xem xét, sửa chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng giá trị dưới 1 triệu đồng, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT).

Chia sẻ bên hàng lang Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook...

Ông Phớc cho hay đã yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát, yêu cầu nền tảng này kê khai nộp thuế và thu thập các dữ liệu thống kê. "Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ thanh tra, xử lý", ông Hồ Đức Phớc nói.

Theo số liệu mới nhất từ YouNet ECI, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỷ đồng để mua sắm trên bốn sàn thương mại điện tử chính trong quý II. Trong đó, Shopee hầu như thống lĩnh thị trường với 71,4%, tiếp theo là TikTok Shop với 22%, Lazada 5,9%. Các sàn nội địa như Tiki, Chiaki, Sendo, Websosanh, Adayroi chiếm thị phần rất nhỏ, chưa tới 1%.

Để cân bằng cục diện thị trường thương mại điện tử, ông Hoàng Văn Cường cho rằng cần có chính sách phát triển các nền tảng trong nước. Ông cũng cho rằng sản phẩm trong nước phải nâng cao chất lượng, tận dụng tâm lý ưa chuộng hàng Việt Nam của người tiêu dùng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng phải cảnh báo, nhắc nhở người tiêu dùng tỉnh táo trước quảng cáo sản phẩm với mức giá thấp đến phi thực tế, để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Anh Minh - Sơn Hà