|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đà tăng giá heo hơi có thể kéo dài đến tháng 9

16:40 | 10/06/2024
Chia sẻ
Thịt heo nhập khẩu và sự tích cực tái đàn của các doanh nghiệp chăn nuôi là những yếu tố cản bước tăng của giá heo hơi hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng giá heo hơi khó lòng tăng đột biến lên mức 78.000 đồng/kg.

Giá heo hơi có thể tăng tiếp nhưng khó đạt 78.000 đồng/kg

Giá heo hơi tính đến ngày 10/6 đã chạm mốc 70.000 đồng/kg - mức cao nhất trong vòng hai năm qua nay cả khi thị trường đang trong giai đoạn thấp điểm. Mức giá này cao hơn 40% so với hồi đầu năm. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông thường giá heo hơi thường giảm vào mùa hè, bởi khi thời tiết nóng, người tiêu dùng ăn thịt ít hơn so với khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, năm nay thị trường thịt heo hơi diễn biến trái quy luật. Đà tăng giá heo hơi xuất phát từ việc nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi và kiểm soát tốt heo nhập lậu, đồng thời một phần do tâm lý trên thị trường. 

 Nguồn: AnovaFeed (H.Mĩ tổng hợp)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng đà tăng giá heo hơi có thể kéo dài đến tháng 8, 9. Từ tháng 10 đến Tết Nguyên Đán, nguồn cung sẽ được bổ sung từ lượng heo được tái đàn vào từ tháng 2, 3. Hiện tại các doanh nghiệp chăn nuôi đang tích cực bổ sung heo giống, heo nái để tái đàn. 

Tuy nhiên, ông cho rằng giá heo hơi khó lòng tăng đột biến lên mức 78.000 đồng/kg mặc dù hiện nguồn cung đang thiếu hụt cục bộ. 

“Khi giá heo hơi đạt 70.000 - 72.000 đồng/kg, khả năng sẽ có lượng thịt heo đáng kể nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Do đó, giá khó lòng lên 78.000 đồng/kg như trước. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang tích cực tái đàn, dự kiến cuối năm sẽ bổ sung vào nguồn cung”, ông Công nhận định. 

Hiện tại chưa có số liệu chính về nhập khẩu thịt heo trong tháng 5. Theo số liệu của tháng 4, giá thịt heo nhập khẩu 2.225 USD/tấn (tương đương khoảng 56,5 triệu đồng/tấn), thấp hơn khá nhiều so với mức giá 70 triệu đồng/tấn của giá nội địa. 

Cục Xuất nhập khẩu cũng dự báo trong thời gian tới, giá thịt heo có thể tiếp tục đứng ở mức cao do các hộ chăn nuôi chưa tái đàn nhiều, phía doanh nghiệp cũng khá thận trọng khi tăng tổng đàn heo do lo ngại dịch bệnh hoành hành vào thời điểm cuối năm.

Trong năm 2023, giá heo hơi liên tục ở mức thấp trong thời gian dài, người chăn nuôi thua lỗ nên đã giảm số lượng heo nuôi. Điều này dẫn đến sản lượng xuất chuồng hiện nay giảm nhiều, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu.

Nhiều hộ chăn nuôi hơi nhỏ lẻ tạm ngừng không tái đàn do thua lỗ trong năm 2023, tuy nhiên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn, thực hiện việc tiết kiệm trong mọi chi phí đầu vào để hồi phục chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương, khiến nhiều hộ chăn nuôi, trang trại heo giảm số lượng đàn nuôi. Đặc biệt là gia đoạn trước Tết, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, gây sức ép lên giá xuống khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. 

Lo ngại heo thẩm lậu vì chênh lệch giá?

Khi giá heo hơi trong nước tăng, một nỗi lo thường trực lại dậy sóng là liệu rằng heo Trung Quốc và Thái Lan có thẩm lậu vào Việt Nam không?

Tính đến ngày 10/6, giá heo hơi của Trung Quốc khoảng 19 nhân dân tệ/kg (tương đương 66.600 đồng/lượng). Mức chênh lệch so với giá heo hơi Việt Nam là 3.400 đồng/kg. 

Ngoài Trung Quốc, mối lo ngại khác đến từ Thái Lan. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch hiện tại cũng chưa quá lớn. Theo số liệu từ FAO, tính đến cuối tháng 5, giá heo hơi của Thái Lan khoảng 59.000 đồng/kg. Cùng thời điểm, giá heo hơi của Việt Nam khoảng 67.000 đồng/kg. Mức chênh lệch giữa hai thị trường là 8.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với cao điểm của quý I. 

 So sánh giá heo hơi Việt Nam và các thị trường lân cận (Nguồn: FAO)

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng mức chênh lệch giá heo hơi Việt Nam và các thị trường lân cận vẫn chưa đủ hấp dẫn để những kể xấu buôn lậu heo qua biên giới bởi chi phí mua, vận chuyển sang Việt Nam sẽ rất lớn.

Bên cạnh đó, hiện tại, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang làm tốt khâu kiểm soát đường biên giới. Do đó, khả năng heo hơi nhập lậu tràn vào Việt Nam là thấp.

Heo nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam thường đi qua Campuchia. Giai đoạn cuối năm ngoái - đầu năm nay, thị trường heo Việt Nam chịu tác động lớn từ heo nhập lậu từ nước này. 

Trước tình trạng này, Thủ tướng gửi công điện tới các bộ ngành, địa phương về việc siết chặt ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, thuỷ sản  vào Việt Nam. 

Thông điệp này tiếp tục được Bộ NN&PTNT nhắc lại hồi cuối tháng 5. Cơ quan này đã gửi văn bản tới UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị chỉ đạo xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Việc kiểm soát chặt đường biên giới kèm theo mức chênh lệch giá hai thị trường không còn hấp dẫn giúp tình trạng nhập lậu vào Việt Nam được kiểm soát và góp phần đẩy giá heo hơi trong nước tăng lên.

H.Mĩ