Đà Nẵng ưu tiên xem xét vốn đầu tư công để phát triển kinh tế đêm
Vừa qua tại Đà Nẵng đã diễn ra buổi tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Sun World, Hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức.
Phát triển kinh tế đêm – động lực thu hút khách du lịch hậu COVID-19
Qua một tháng triển khai chương trình kích cầu sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam, Đà Nẵng đã đón và phục vụ 454.764 lượt khách tăng 85% so với thời điểm tháng 5.
Các đường bay nội địa đã bắt đầu hoạt động trở lại với 90/90 chuyến/ngày so với cùng kì. Thành phố đã quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách cho phép miễn phí vé tham quan từ 1/6 - 31/8 tại các khu danh thắng, hỗ trợ thành lập Quĩ xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng với số vốn ban đầu là 3,85 tỉ đồng do doanh nghiệp đóng góp.
Để khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, ngành du lịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động, đặc biệt là phát triển kinh tế ban đêm. Đây được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khôi phục hoạt động du lịch sau dịch, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Nói về kinh tế ban đêm, PGS.TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, đây sẽ là một giải pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam. Đó là nền kinh tế đích thực nhằm thúc đẩy du lịch địa phương, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vốn vắng vẻ vào đêm.
Dựa trên những dẫn chứng tại London (Anh), New York (Mỹ) hay thành phố Sydney (Australia) với nền kinh tế đêm đã góp phần tạo ra 234.000 việc làm, với doanh thu 27,2 tỉ USD và mang lại 102 tỉ USD mỗi năm, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng sử dụng thời gian đêm muộn là cách thức thúc đẩy các thành phát triển, nhờ hoạt động văn hóa nghệ thuật, lao động trí tuệ sáng tạo hay làm việc ban đêm.
Tại Đà Nẵng, kinh tế ban đêm hiện đang dần hình thành với những tiềm năng lợi thế sẵn có ban đầu. Tuy nhiên, qui mô các hoạt động kinh tế ban đêm còn nhỏ lẻ, nằm rải rác xen lẫn khu dân cư, thiếu những điểm vui chơi giải trí tập trung, qui mô lớn với các dịch vụ đa dạng để thu hút du khách.
Cần những giải pháp thích ứng với nền kinh tế đêm
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, những năm qua, tại Đà Nẵng tồn tại một nghịch lí, đó là du khách rất hào hứng với việc tham quan vui chơi vào ban ngày, nhưng họ không có nhiều lựa chọn để vui chơi giải trí về đêm.
Do đó, trong thời gian đến, thành phố sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, qui hoạch đồng bộ cũng như ban hành cơ chế quản lí thích hợp để phát huy vai trò dịch vụ giải trí đêm và đảm bảo an ninh, an toàn đô thị...", Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cho biết.
Tại kì họp thứ 15 HĐND thành phố khoá IX, UBND thành phố đã đề xuất HĐND xem xét ưu tiên nguồn lực và nguồn vốn đầu tư công để đầu tư hoàn thiện và khai thác các khu vực sẵn có hoạt động, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm.
Đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng để thông qua nghị quyết về một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm.
Theo đó, định hướng phát triển kinh tế ban đêm gồm 4 nhóm hoạt động/dịch vụ gồm văn hóa – vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và du lịch (tham quan).
Về lâu dài, Đà Nẵng sẽ thực hiện qui hoạch và dành quĩ đất cho các cụm/khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư để định hướng, kêu gọi đầu tư khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, đạt qui mô, hấp dẫn, chất lượng và tiêu chuẩn ngang tầm các điểm đến quốc tế nổi tiếng trên thế giới.
Về giải pháp qui hoạch, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2023, thí điểm các dịch vụ trên 4 khu vực phố du lịch An Thượng, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa và tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2025, phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm như: Phố du lịch An Thượng, mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại, tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó TGĐ Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS đề xuất thành phố cần hỗ trợ đầu tư cho hệ thống công nghệ 4.0, khuyến khích đầu tư để nhanh chóng cho ra đời cảng du lịch đường sông một cách bài bản, thành phố tập trung đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để gấp rút cho ra đời khu phố đêm.
Để khai thác tốt tiềm năng lợi thế của kinh tế đêm gắn với kích cầu du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh – GĐ Sở Du lịch cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động, dịch vụ ban đêm tại một số khu vực phù hợp.
Cùng với đó, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu thành phố xây dựng các cơ chế hỗ trợ tiền thuê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước biển, bãi biển, hỗ trợ tiền điện, nước trong khung giờ từ 22h đêm đến 04h00 sáng.