Đà Nẵng: Giá phòng khách sạn sẽ cạnh tranh khốc liệt
Trong buổi công bố các tiêu điểm về thị trường bất động sản Đà Nẵng ngày 8/2, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc CBRE cho biết, thị trường khách sạn tại Đà Nẵng ngày càng trở nên cạnh tranh và chỉ những khách sạn biết tạo sự khác biệt hay có vị trí đẹp mới có thể thu hút du khách.
Bà Dương Thùy Dung nhấn mạnh, thị trường khách sạn Đà Nẵng vừa có một năm sôi động do Hội nghị APEC 2017 và một loạt dự án được xây dựng phục vụ cho sự kiện này, bên cạnh các dự án khách sạn 4-5 sao, cũng có nhiều dự án quy mô nhỏ hơn nhưng chất lượng tốt.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường CBRE |
Thống kê của CBRE, trong quý 4/2017, thị trường khách sạn Đà Nẵng đón nhận thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và 3 khách sạn 3 sao; cung cấp thêm hơn 1.508 phòng, nâng tổng nguồn cung 3-5 sao tại Đà Nẵng lên 16.402 phòng (tăng 37% so với 2016). Hiện tốc độ tăng trưởng nguồn cung phòng khách sạn 4-5 sao tại thị trường này ở con số 28% mỗi năm – cao nhất nước.
Theo CBRE, sự tăng trưởng nguồn cung này “là để đáp ứng nguồn cầu, dù có cao hơn một chút”. Cụ thể, mức độ tăng trưởng tổng lượt khách du lịch nội địa đến Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2017 trung bình mỗi năm tăng 20%, khách quốc tế là 39%, trong khi tăng trưởng nguồn cung phòng khách sạn 3-5 sao là 28% mỗi năm.
Công suất phòng khách sạn 4-5 sao trong Quý 4/2017 (mùa thấp điểm) trung bình toàn thị trường là 57% tăng so với cùng kỳ năm trước 5%, sụt giảm so với Quý trước 6%. Giá thuê phòng có xu hướng giảm nhưng doanh thu phòng trung bình tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước, sự tăng trưởng tốt hơn về công suất phòng là ở tất cả các phân khúc.
Theo đó, có rất nhiều yếu tố tạo nên sự tăng trưởng này trong đó không thể không nhắc đến sự chủ động của chính quyền địa phương trong thu hút, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, hội nghị sự kiện… làm tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, tác động tích cực đến thị trường khách sạn phân khúc cao cấp, đại diện CBRE nhận định.
“Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt vào sự tăng trưởng thị trường nghỉ dưỡng nói chung và thị trường khách sạn nói riêng ở thị trường Đà Nẵng, việc tổ chức thành công hội nghị APEC mặc dù không có những thuận lợi về thời tiết cũng như các yếu tố bên ngoài… điều này rất ấn tượng và tạo nên sức hút đối với du khách nước ngoài, cả nội địa” - bà Dung chia sẻ.
Về triển vọng, ngành du lịch được kỳ vọng phát triển tốt sẽ dẫn đến công suất phòng khách sạn tăng nhưng giá phòng khách sạn sẽ chịu cạnh tranh khốc liệt hơn trong giai đoạn tới. Nguyên nhân là chịu sự cạnh tranh đến từ khối căn hộ nghỉ dưỡng. “Và trong cuộc cạnh tranh trực tiếp này, khối căn hộ nghỉ dưỡng sẽ phát triển hơn, khả năng tiêu thụ sẽ tốt hơn" - bà Dung cho biết.
Ngoài ra, thị trường Hội An - Quảng Nam, đại diện CBRE đánh giá đây là là thị trường cạnh tranh trực tiếp và nổi trội trong cuộc đua với Đà Nẵng, dù vậy đây là sự cạnh tranh bù đắp chứ không phải dạng cạnh tranh triệt tiêu.
Song song đó, khu Lăng Cô (vừa được cấp phép xây dựng casino) và các khu sát Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần. Về điểm này, bà Dương Thùy Dung lại ghi nhận sự tích cực được tạo ra. Theo bà, việc hình thành dải khách sạn nghỉ dưỡng kéo dài từ Quảng Nam, Hội An đến Lăng Cô, Thừa Thiên Huế sẽ làm nên sự hấp dẫn cho du khách quốc tế.