|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đà Nẵng đề xuất lấn biển 300 ha làm khu thương mại tự do

08:30 | 14/12/2024
Chia sẻ
Thành phố Đà Nẵng đề xuất lấn biển để có thêm dư địa hoàn chỉnh hạ tầng khu thương mại tự do quy mô hơn 2.317 ha, xây dựng tại 10 vị trí.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do.

Khu thương mại này khi hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng, sẽ bao gồm khoảng 300 ha lấn biển. Thành phố chưa công bố vị trí cụ thể của khu lấn biển, nhưng cho biết đang nghiên cứu và đánh giá toàn diện để xác định định hướng và lộ trình đầu tư xây dựng.

Trước đó vào ngày 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã thị sát khu vực ven đường Nguyễn Tất Thành, nơi dự kiến lấn biển 420 ha cho khu dịch vụ logistics phục vụ cho khu thương mại tự do. Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương lấn biển, nhưng yêu cầu tính toán kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu và sử dụng đất.

Đà Nẵng đã có hai khu đô thị lấn biển ở hai bên cầu Thuận Phước, gồm khu đô thị quốc tế Đa Phước và khu đô thị mới Thuận Phước. Tuy nhiên, dự án Đa Phước hiện bỏ hoang do liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ.

Vị trí và diện tích lấn biển được Đà Nẵng đưa ra tại buổi thị sát của đoàn công tác Chính phủ, ngày 1/9. (Ảnh: Nguyễn Đông).

Khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ là mô hình đầu tiên của Việt Nam tích hợp các chức năng như logistics cảng biển và sân bay, cùng với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất.

Chính quyền thành phố dự báo khu thương mại tự do có thể đóng góp 8-9% vào GRDP của Đà Nẵng vào năm 2030 và lên đến 25% vào năm 2050, đồng thời thu hút khoảng 41.000 lao động vào năm 2030 và 137.000 lao động vào năm 2050.

Tổng vốn đầu tư dự kiến cho khu thương mại tự do khoảng 40.300 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ khi được phê duyệt đến năm 2029 sẽ xây dựng mới khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn; hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ các vị trí, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để xây dựng hạ tầng ở các khu chức năng.

Khái toán mức đầu tư bên trong khu thương mại tự do cho giai đoạn này gần 36.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 20.755 tỷ đồng (chiếm 58% tổng vốn) và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng 15.132 tỷ đồng (42% tổng vốn).

Giai đoạn 2 triển khai sau năm 2029 với định hướng mở rộng khu thương mại tự do tại các khu vực cảng Tiên Sa (dưới chân bán đảo Sơn Trà, sau khi chuyển đổi công năng thành cảng du lịch), tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt tại trung tâm thành phố... Ước tính chi phí là hơn 4.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Khu vực ga đường sắt nằm giữa trung tâm Đà Nẵng sẽ được tái thiết khi thành phố triển khai giai đoạn hai khu thương mại tự do. (Ảnh: Nguyễn Đông).

Đà Nẵng đề xuất nhà nước cân đối phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đến ranh giới khu thương mại tự do chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, hoặc khấu trừ tiền thuê đất nếu nhà đầu tư chiến lược giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.

Trước đó giữa tháng 6, Quốc hội thông qua nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó, thành phố được lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu, thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 10, UBND TP Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đề án, hồ sơ thành lập khu thương mại tự do trong tháng 12/2024, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, sau đó trình Thủ tướng quyết định vào đầu năm 2025.

Nguyễn Đông