Đã gửi Mỹ hồ sơ công nhận tương đương cho cá tra
Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. |
Trao đổi với TBKTSG Online hôm 23/8, ông Hòe nói, theo yêu cầu của Mỹ, chậm nhất ngày 31-8-2017, tức trong thời gian chuyển tiếp 18 tháng (từ ngày 1/3/2016 đến 31/8/2017), các nước xuất khẩu sản phẩm cá da trơn vào Mỹ, bao gồm Việt Nam phải hoàn thành bước số 2 trong quy trình 6 bước để được công nhận tương đương.
Theo đó, 6 bước của quy trình công nhận tương tương gồm bước 1, nước xuất khẩu yêu cầu Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đánh giá tương đương; bước 2, nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT – Self-Reporting Tool) và các hồ sơ kèm theo; bước 3, FSIS yêu cầu bổ sung thông tin, FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ; bước 4, thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu; bước 5, thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý; bước 6 là công nhận tương đương (bằng một quy định chính thức).
Căn cứ vào quy trình 6 bước như nêu trên, theo ông Hòe, hiện Việt Nam đã hoàn tất bước số 2, tức đã hoàn thiện bản trả lời câu hỏi SRT và các hồ sơ kèm theo được gửi cho phía Mỹ.
Thông tin từ Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thông báo đã nhận được hồ sơ yêu cầu phía Mỹ xem xét đánh giá công nhận tương đương cho cá da trơn của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, phía Mỹ đã xác nhận việc hoàn thành bước số 2 như nêu ở trên của Việt Nam.
Nafiqad cho biết, bộ hồ sơ gồm bản trả lời câu hỏi SRT và trên 1.500 trang tài liệu kèm theo để chứng minh tương đương của hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn Việt Nam với các quy định của Mỹ. “Với việc đã hoàn tất và nộp hồ sơ SRT cho FSIS trước thời hạn, việc xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam sang Mỹ sẽ không bị gián đoạn”, thông tin từ Nafiqad cho biết.
Trong khi đó, theo ông Hòe, sau khi xem xét hồ sơ của Việt Nam, phía Mỹ sẽ thực hiện những bước liên quan tiếp theo sau bước số 2. “Dự kiến, Mỹ sẽ bắt đầu quá trình xem xét từ ngày 1-9-2017 và trong thời gian họ xem xét, việc xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường như hiện nay”, ông Hòe cho biết.
Ông Hòe lưu ý, chỉ có một điểm khác so với trước đây, đó là Mỹ sẽ kiểm tra 100% lô cá da trơn nhập khẩu, tức 100% lô cá da trơn phải vào I-house (cơ quan kiểm tra do USDA chỉ định). “Nhưng, nội dung này cũng đã được Mỹ thực hiện sớm hơn 1 tháng so với dự kiến trước đó, tức đã áp dụng kể từ ngày 2-8-2017, thay vì là ngày 1-9-2017 như thông báo trước đó”, ông Hòe cho biết.
Ông Hòe cho biết, những bước tiếp theo sau bước 2 là những bước phụ thuộc vào quyết định của Mỹ, chứ không còn do bên phía Việt Nam. “Ngoại trừ, Mỹ yêu cầu phải trả lời câu hỏi hoặc bổ sung hồ sơ đó chẳng hạn, thì Việt Nam tiếp tục thực hiện”, ông nói.
Ông Hòe nhấn mạnh rằng việc xem xét công nhận tương đương cho cá tra trong thời gian bao lâu phụ thuộc vào phía Mỹ.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 223 triệu đô la trong 7 tháng Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 996,5 triệu đô la Mỹ, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 223 triệu đô la Mỹ, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo dự báo của ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký VINAPA, năm 2017 xuất khẩu cá tra có thể đạt khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ. |