Đa dạng hóa các biện pháp xử lý rủi ro tín dụng tại VBD
Ngân hàng Phát triển Việt Nam. (Nguồn: VDB). |
Các biện pháp xử lý rủi ro được đề cập trong dự thảo bao gồm: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ/số tiền trả nợ; Gia hạn nợ vay; Khoanh nợ; Xoá nợ lãi; Xoá nợ gốc; Bán nợ; Xử lý tài sản bảo đảm tiền vay; Chuyển theo dõi ngoại bảng; Các biện pháp xử lý rủi ro khác theo quy định của pháp luật.
Những biện pháp trên được đưa ra kèm theo hướng dẫn quy định cụ thể về quy trình xử lý và thẩm quyền quyết định đều được mở rộng hơn so với dự thảo năm 2013.
Trong dự thảo đề cập rõ về phạm vi các khoản nợ bị rủi ro được xử lý theo quy chế này bao gồm: Các khoản nợ vay theo chính sách tín dụng của Nhà nước và các khoản nợ vay theo chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Các khoản nợ vay bắt buộc sau khi VDB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại Ngân hàng thương mại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Các khoản nợ cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ do VDB chịu rủi ro tín dụng.
Theo đó, trường hợp được xem xét xử lý rủi ro gồm: Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra; khách hàng bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật hiện hành;
Khách hàng là cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự; bị chết, mất tích không còn tài sản để trả nợ hoặc còn tài sản nhưng không đủ để trả nợ;
Bên cạnh đó, còn có trường hợp do nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng; khách hàng là doanh nghiệp nhà nước phải xử lý tài chính khi thực hiện chuyển đổi sở hữu; khách hàng gặp rủi ro khách quan từ phía nhà nhập khẩu...
Dự thảo còn bổ sung thêm 2 điều kiện khác là: khách hàng gặp rủi ro khách quan khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dẫn đến không có khả năng trả nợ đúng theo hợp đồng cam kết với VDB; khách hàng không có khả năng trả được nợ vay theo đúng hợp đồng tín dụng, hợp đồng nhận nợ có khả năng làm phát sinh nợ xấu cho VDB.