|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cựu lãnh đạo FLC Faros làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC

22:04 | 22/12/2022
Chia sẻ
Tân Phó Tổng Giám đốc FLC Trần Thị Hương từng là Thành viên HĐQT của FLC Faros, đang giữ chức Tổng Giám đốc FLCHomes.

Các lãnh đạo Tập đoàn FLC, từ phải qua trái: Chủ tịch HĐQT Lê Bá Nguyên, tân Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Hương, Phó TGĐ thường trực Đàm Ngọc Bích, Phó TGĐ Đỗ Việt Hùng. (Ảnh: FLC).

Tập đoàn FLC vừa công bố nghị quyết ngày 21/12 của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bổ nhiệm bà Trần Thị Hương giữ chức Phó Tổng Giám đốc từ ngày 22/12/2022. 

Bà Trần Thị Hương là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Đại học Northumbria, Newcastle Upon Tyne, Anh; Cử nhân Kinh doanh Quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Ban Điều hành của FLC hiện có 9 người gồm Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền, các Phó Tổng Giám đốc: Đàm Ngọc Bích, Trần Thế Anh, Lê Thị Trúc Quỳnh, Đặng Thị Lưu Vân, Đỗ Việt Hùng, Lê Doãn Linh, Nguyễn Chí Công và bà Trần Thị Hương mới được bổ nhiệm.

Trước khi đảm nhận vai trò Phó Tổng Giám đốc của FLC, bà Hương từng giữ vị trí Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS); Giám đốc Nhân sự CTCP Phát triển và Đầu tư Đô thị Việt Hưng; Trưởng ban Nhân sự Tập đoàn FLC …

Hiện nay, bà Hương đang là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes (Mã: FHH). Bà Hương được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc FLCHomes từ ngày 3/2/2020, tức là đã được gần ba năm. 

Nhiều thay đổi về nhân sự tại Tập đoàn FLC và FLC Faros

Tại FLC Faros, bà Hương được bầu vào HĐQT tại đại hội cổ đông thường niên ngày 25/5/2021 cùng với bà Nguyễn Bình Phương và bà Hương Trần Kiều Dung. Ngay sau đại hội, bà Hương Trần Kiều Dung được bầu làm Chủ tịch.

Ngày 8/4/2022, bà Hương Trần Kiều Dung - người đồng thời là Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Chứng khoán BOS - bị khởi tố và bắt tạm giam về tội danh thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự. Cuối tháng 10 năm nay, bà Hương nộp đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của FLC Faros.

FLC Faros đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để chính thức miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với bà Hương Trần Kiều Dung và bà Trần Thị Hương, đồng thời bổ nhiệm hai người thay thế là ông Lê Tiến Dũng và ông Nguyễn Công Lãi. Sau đó, ông Dũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 2/11/2022.

Tập đoàn FLC thời gian gần đây cũng có nhiều thay đổi lớn về nhân sự cấp cao. Hôm 4/10, Hội đồng quản trị FLC đã bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Lê Doãn Linh và ông Nguyễn Chí Công kể từ ngày 5/10.

Ông Lê Doãn Linh sinh năm 1980, giữ chức vụ Trưởng Ban Đầu tư 2 trước khi được thăng chức Phó Tổng Giám đốc. Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Công sinh năm 1985, từng giữ chức Trưởng Ban Tài chính Tập đoàn FLC.  

FLC bổ sung hai nhân sự cấp cao sau khi ba Phó Tổng Giám đốc từ nhiệm trong vòng ba tháng là bà Vũ Đặng Hải Yến vào ngày 14/7, ông Lã Quý Hiển vào ngày 15/9 và bà Võ Thị Thùy Dương vào ngày 1/10.

Trước đó, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3 trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và Công ty Chứng khoán BOS.

Phó Chủ tịch Đặng Tất Thắng được bầu làm Chủ tịch FLC từ ngày 31/3 thay ông Quyết. Sau đó, ông Lê Bá Nguyên được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Thắng kể từ ngày 2/7 tới nay.

Cả Tập đoàn FLC và Xây dựng FLC Faros đều đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường trong năm 2022 để miễn nhiệm và bầu bổ sung nhân sự, nhưng cả hai doanh nghiệp đều chưa thể tổ chức đại hội cổ đông thường niên do chưa có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Trong năm 2021, FLC và FLC Faros cùng chọn Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt làm đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính. Tuy nhiên vào ngày 30/3/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết của Công ty Đất Việt. 

FLC Faros chưa tìm được đơn vị kiểm toán thay thế. Tập đoàn FLC đã tìm được công ty kiểm toán mới, nhưng quá trình kiểm toán báo cáo tài chính 2021 chưa hoàn thành.

Đức Quyền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.