|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cựu Chủ tịch Nissan bị Lebanon cấm xuất cảnh

16:17 | 10/01/2020
Chia sẻ
Một ngày sau khi họp báo để nói về lý do đào tẩu khỏi Nhật, ông Ghosn bị Lebanon cấm xuất cảnh...
Cựu Chủ tịch Nissan bị Lebanon cấm xuất cảnh - Ảnh 1.

Ông Carlos Ghosn, cựu CEO Nissan, trong cuộc họp báo ở Beirut ngày 8/1 - Ảnh: CNN.

Cơ quan chức năng Lebanon ra lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Carlos Ghosn, cựu Tổng giám đốc (CEO) của hãng xe Nissan. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Ghosn có cuộc họp báo "trình bày" với truyền thông quốc tế lý do ông trốn khỏi Nhật Bản trong lúc đang chờ ngày xét xử.

Theo trang CNN Business, công tố viên Ghassan Oueidat của Lebanon ngày 9/1 xác nhận lệnh cấm xuất cảnh đã được áp đối với ông Ghosn để ông này không thể rời Lebanon.

Ông Ghosn - một trong những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng nhất trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu - trốn khỏi Nhật Bản trong những ngày cuối cùng của năm 2019 trong lúc đang bị quản thúc tại gia. 

Khi thực hiện cuộc bỏ trốn được đánh giá là ly kỳ như một bộ phim, ông Ghosn đang chờ ngày xét xử ở Nhật về tội gian lận tài chính - những cáo buộc mà hoàn toàn bác bỏ.

Hôm 2/1, Lebanon cho biết đã nhận được một "thông báo đỏ" của cảnh sát quốc tế Interpol xác nhận ông Ghosn đang bị cảnh sát Nhật Bản truy nã. Một "thông báo đỏ" không buộc cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ một đối tượng lưu vong.

Ngoài ra, giữa Lebanon và Nhật Bản không có hiệp định dẫn độ tội phạm và giới chức Lebanon nói ông Ghosn nhập cảnh vào nước này hoàn toàn hợp pháp. Bởi vậy mà cựu Chủ tịch Nissan đang sống tự do, công khai tại Lebanon mà không bị bắt.

Hôm thứ Tư tuần này, ông Ghosn - người cùng lúc mang ba quốc tịch Lebanon, Brazil và Pháp - tổ chức một cuộc họp báo ở thủ đô Beirut của Lebanon. Trong cuộc họp báo, ông tuyên bố mình vô tội và nói sẽ chống lại đến cùng điều mà ông gọi là "bức hại chính trị" đối với ông.

"Tất nhiên, tôi không coi mình là một tù nhân ở Lebanon", ông Ghosn nói với các nhà báo. "Tôi hạnh phúc vì được ở đây, cùng với người thân và bạn bè của tôi. Tôi chẳng có chút cảm giác bất hạnh nào. Tôi sẵn sàng ở Lebanon trong một thời gian dài".

2

Biểu cảm của ông Ghosn trong cuộc họp báo ngày 8/1.

Hôm thứ Ba, cơ quan công tố Nhật Bản ra lệnh bắt bà Carole Ghosn, vợ ông Ghosn, với cáo buộc rằng bà này khai báo sai sự thật trong một phiên điều trần trước tòa vào tháng 4 năm ngoái. Bà Carole hiện đang ở Lebanon cùng chồng.

Trong cuộc họp báo ở Beirut, ông Ghosn kịch liệt phê phán hệ thống tư pháp của Nhật Bản, nói rằng hệ thống này "vi phạm những nguyên tắc căn bản nhất về con người".

Ông nhấn mạnh việc mình bị quản thúc trong đơn độc, bị thẩm vấn nhiều giờ mà không có sự hiện diện của luật sư, và đợi mãi vẫn chưa đến ngày hầu tòa. Ông cho rằng cơ quan điều tra Nhật Bản chỉ tìm cách thu thập những thông tin để buộc tội ông chứ không nhằm xác minh sự thật. Ngoài ra, ông còn phàn nàn về việc chỉ được phép tắm hai lần/tuần.

Ông Ghosn bị bắt ở Tokyo cách đây hơn 1 năm. Bên cạnh một số cáo buộc khác, ông bị cơ quan công tố cho là đã báo mức thu nhập cá nhân thấp hơn thực tế trong suốt nhiều năm và biển thủ số tiền 5 triệu USD của Nissan.

Ông Ghosn nói việc Nhật Bản bắt ông là một phần nhằm loại ông khỏi "đế chế" công nghiệp ô tô mà ông đã tốn bao mồ hôi công sức xây dựng nên bằng cách liên minh giữa Nissan, Renault và Mitsubishi. Mặc dù vậy ông không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này.

Phản ứng về họp báo của ông Ghosn, cơ quan công tố ở Tokyo ra một tuyên bố nói rằng ông "chỉ nên đổ lỗi cho chính bản thân mình về việc bị bắt giam". Tuyên bố cũng nói nhà chức trách có đủ bằng chứng để xác định khả năng cao ông Ghosn sẽ bị kết án tù.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Masako Mori nói trong tuyên bố trên rằng ông Ghosn "tuyên truyền cả ở Nhật Bản và trên thế giới những thông tin sai lệch về hệ thống tư pháp của Nhật và hoạt động của hệ thống này". "Đây là một điều không thể tha thứ", bà Mori nói.

Bình Minh