Cuối năm, tiêu thụ vật liệu xây dựng gia tăng mạnh
Chủ một đại lý vật liệu xây dựng lớn tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cho biết, những tháng cuối năm nay, lượng tiêu thụ xi măng, sắt thép phục vụ cho các công trình xây dựng, sửa chữa nhà cửa trong dân đã có sự gia tăng đáng kể. Mặc dù sức cầu từ mảng này không cao, chỉ chiếm khoảng 10 – 15%, nhưng lại có lượng tiêu thụ ổn định, lâu dài.
Ngược lại, các công trình xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng… thường có lượng tiêu thụ lớn, và đây chính là yếu tố kích thích sức cầu trong nước tăng cao.
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, 10 tháng của năm 2016 trên địa bàn thành phố đã có hàng chục dự án chung cư, công trình trụ sở văn phòng xây dựng mới. Đặc biệt, chương trình chỉnh trang bộ mặt đô thị, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình chung cư cũ sẽ khiến cho lĩnh vực xây dựng sôi động hơn.
Giám đốc phụ trách mảng xây dựng của nhà thầu công trình lớn Coteccon cho rằng, sự khởi sắc của thị trường BĐS thời gian gần đây đã góp phần đẩy lượng tiêu thụ đối với các loại vật liệu xây dựng (VLXD) gia tăng đáng kể. Cầu tăng chính là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy nguồn cung tăng trưởng mạnh.
Những tháng cuối năm, lượng tiêu thụ đối với các loại vật liệu xây dựng gia tăng đáng kể. Ảnh minh họa |
Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 10/2016, sản xuất sắt thép thô trong nước ước tính đạt 468,1 nghìn tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Số lượng thép cán ước đạt 487,8 nghìn tấn, tăng 30,4%; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 397 nghìn tấn, tăng 1,5%. Tính chung 10 tháng, lượng sắt thép thô đạt hơn 4.196 nghìn tấn, tăng 19%, thép cán đạt 4.290 nghìn tấn, tăng 25,7%, thép thanh, thép góc đạt 3.907 nghìn tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc CTCP Thép Việt phân tích, sản xuất thép tăng trưởng cao ngoài nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi còn phải kể đến nguyên nhân Việt Nam tận dụng được cơ hội áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép dài và phôi thép nhằm giảm nhập khẩu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Chính điều này, giúp cân đối cung cầu trên thị trường khiến cho giá bán sản phẩm thép giữ được sự ổn định.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra dự báo cuối năm 2016 và bước sang năm 2017, sản lượng tồn kho cộng dồn từ nhiều tháng trước có nhiều khả năng lớn hơn số lượng sản xuất nên các DN vẫn cần chủ động tính toán, cân đối lượng hàng cung ứng trên thị trường để tránh làm tăng giá bán và lượng hàng tồn tại các nhà máy.
Tương tự, trong tháng 10/2016, sản lượng xi măng tiêu thụ nội tăng mạnh do nhiều công trình xây dựng được triển khai, giá bán nhìn chung vẫn ổn định. Ước thực hiện trong tháng 10/2016, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 5,69 triệu tấn, xuất khẩu clinker và xi măng ước đạt 1,10 triệu tấn.
Dự kiến tổng sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2016 khoảng 75,5 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù tình hình trước mắt của ngành VLXD đang có dấu hiệu khả quan cả về sản xuất và nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, trong năm tới sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều áp lực hơn bởi dự kiến năm 2017 sẽ có sự tham gia thị trường của một số nhà máy sản xuất sắt thép, xi măng lớn như Tập đoàn Xi măng The Vissai, Công ty Xi măng Long Sơn, Dự án thép Cà Ná. Đó là chưa kể một lượng lớn sắt thép, xi măng nhập khẩu từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan… hàng năm đổ ồ ạt vào thị trường Việt Nam.
Chính vì vậy, các chuyên gia cảnh báo DN trong ngành không nên chủ quan, một mặt đẩy mạnh lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước nhưng mặt khác cũng cần nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước chứ không nên chỉ chú trọng vào một hướng dễ dẫn đến phụ thuộc, thậm chí tồn kho tăng cao khi thị trường trong nước gặp khó khăn. Do vậy, để thị trường VLXD trong nước phát triển bền vững không nên trông chờ vào tính mùa vụ mà quan trọng cần xây dựng chiến lược và tầm nhìn dài hạn.