Tắc nghẽn tại cảng biển lan rộng từ châu Âu đến châu Á
Theo Reuters, tình trạng tắc nghẽn tại cảng container của Singapore đang ở mức tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy tình trạng các tàu thay đổi đường đi do căng thẳng khu vực Biển Đỏ kéo dài đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển đường biển toàn cầu. Theo đó, tình trạng tắc nghẽn cũng xuất hiện ở các cảng châu Á và châu Âu.
Các nhà bán lẻ, nhà sản xuất và các ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào tàu chở hàng cỡ lớn một lần nữa đang phải vật lộn với cước tàu tăng vọt và tình trạng thiếu container rỗng. Nhiều công ty hàng tiêu dùng tìm cách tích trữ hàng tồn kho để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm cao điểm.
Công ty dữ liệu hàng hải Linerlytica cho biết tình trạng tắc nghẽn cảng toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong 18 tháng, với 60% tàu đang neo đậu ở châu Á. Các tàu có tổng sức chứa hơn 2,4 triệu đơn vị container tương đương 20 feet (TEU) đang chờ neo đậu vào giữa tháng 6.
Nhiều chuyến tàu đang bị gián đoạn do lịch trình ra khơi bị lỡ và ít lượt ghé cảng hơn, vì phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng để tránh Biển Đỏ.
Do đó, các tàu cùng lúc đang dỡ số lượng hàng lớn tại các trung tâm trung chuyển lớn như Singapore. Tại đây, hàng hóa được dỡ xuống và chất lại lên các tàu khác nhau cho chặng cuối của hành trình và bỏ qua các chuyến đi tiếp theo để bắt kịp lịch trình.
Ông Jayendu Krishna, phó giám đốc công ty tư vấn Drewry Maritime Advisors có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Các chủ hàng đang cố gắng quản lý tình hình bằng cách thả các thùng hàng tại các trung tâm trung chuyển”. Các hãng tàu đã tích lũy container ở Singapore và các trung tâm khác.
Drewry cho biết khối lượng hàng hóa trung bình của Singapore đã tăng 22% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất của cảng.
Tình trạng tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng
Singapore, cảng container lớn thứ hai thế giới, đã chứng kiến tình trạng tắc nghẽn đặc biệt nghiêm trọng trong những tuần gần đây.
Cơ quan Hàng hải và Cảng biển Singapore (MPA) cho biết vào cuối tháng 5 rằng thời gian chờ đợi trung bình để cập bến một tàu container là từ hai đến ba ngày, trong khi các công ty theo dõi container Linerlytica và PortCast cho biết sự chậm trễ có thể kéo dài tới một tuần. Thông thường, việc cập bến sẽ chỉ mất ít hơn một ngày.
Các cảng lân cận cũng đang hoạt động chậm lại, trong khi một số tàu bỏ qua Singapore.
Linerlytica cho biết tình hình căng thẳng đã chuyển sang cảng Klang và Tanjung Pelepas của Malaysia, trong khi thời gian chờ đợi cũng tăng lên tại các cảng Trung Quốc, trong đó Thượng Hải và Thanh Đảo có thời gian trì hoãn lâu nhất.
Drewry dự đoán tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trung chuyển lớn vẫn ở mức cao, nhưng sẽ giảm bớt khi các hãng vận tải bổ sung năng lực và khôi phục lịch trình.
MPA cho biết nhà điều hành cảng PSA đã mở lại các bến và bãi cũ tại cảng Keppel và sẽ mở thêm bến tại Cảng Tuas để giải quyết tình trạng chờ đợi kéo dài.
Maersk, hãng vận tải container lớn thứ hai thế giới, cho biết trong tháng này họ sẽ bỏ hai chuyến đi hướng Tây từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào đầu tháng 7 do tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng châu Á và Địa Trung Hải.
Các chủ hàng và công ty nghiên cứu cho biết, mùa vận chuyển cao điểm hàng năm cũng đến sớm hơn dự kiến, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn tại cảng. Công ty vận tải giao nhận toàn cầu DHL cho biết điều này dường như được thúc đẩy bởi các hoạt động bổ sung hàng, đặc biệt là ở Mỹ và bởi khách hàng vận chuyển hàng hóa sớm trước dự đoán nhu cầu mạnh hơn.
Trong khi đó, giá cước container đã tăng mạnh, làm tăng nguy cơ xảy ra một đợt tăng giá khác đối với người mua như lạm phát tăng vọt sau đại dịch mà các ngân hàng trung ương vẫn đang cố gắng chế ngự.