|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump - bà Merkel: Nhiều điềm xấu

06:00 | 17/03/2017
Chia sẻ
Ông Trump và bà Merkel  sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên vào thứ Sáu. Cách họ làm quen nhau như thế nào có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm tới. 
cuoc gap dau tien giua ong trump ba merkel nhieu diem xau
Ảnh minh họa: AFP

Theo CNN, những điềm báo trước về cuộc gặp gỡ đầu tiên này có vẻ không tốt lắm. Ông Trump từng cáo buộc bà Merkel "hủy hoại nước Đức" khi mở cửa cho người tị nạn hồi 2015. Ông này cũng phát đi những nhận xét lẫn lộn về Liên minh châu Âu, cùng lúc đó tỏ ra thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi châu Âu đang áp lệnh trừng phạt Nga.

Cố vấn cấp cao của ông, Peter Navarro, đã chỉ trích Đức vì thặng dư trong thương mại với Mỹ, cáo buộc nước này lợi dụng đồng euro yếu để gây hại cho nước Mỹ. Mới đây, Trump đe dọa sẽ áp thuế cao với hàng nhập khẩu để bảo vệ việc làm trong nước.

"Các tiền đề cho cuộc gặp gỡ đang rất xấu", Karl-Theodor zu Guttenberg, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, kinh tế và kỹ thuật của Đức nói.

Giới quan sát cho rằng bà Merkel có thể sẽ đáp trả với một thông điệp rất rõ ràng: Tự do thương mại mới hiệu quả, đừng dựng lên các rào cản.

"Toàn bộ chính phủ liên bang Đức cho rằng chủ nghĩa bảo hộ không phải là cách để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững. Chúng tôi tin rằng tự do thương mại sẽ có lợi cho tất cả các bên", Steffen Seibert, người phát ngôn của bà Merkel nói hôm thứ Hai.

Thương mại và việc làm

Theo đại diện chính quyền Mỹ, Trump cho rằng Mỹ thâm hụt thương mại với Đức là bằng chứng cho thấy Mỹ đang thua trong cuộc chơi kinh tế toàn cầu. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức, Trump sẽ nhấn mạnh thâm hụt trong thương mại với Đức lên con số 65 tỷ USD trong năm 2016.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng thế trích dẫn số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Đức ra các nước bên ngoài châu Âu tăng gần 18% trong tháng một so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn bà Merkel, theo một cố vấn cao cấp, nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh vai trò, giá trị của các doanh nghiệp Đức trong nền kinh tế Mỹ. Bà dự định đi cùng một số lãnh đạo cấp cao từ các công ty Đức đang làm ăn ở Mỹ như BMW, Siemens, Schaeffler để giúp chứng minh những lợi ích của Mỹ trong quan hệ thương mại với Đức, cũng như với EU.

"Chúng tôi hiên có 271 tỷ euro đầu tư trực tiếp vào Mỹ", bà Merkel nói hôm thứ Hai. "Hiện các công ty Đức tạo ra cho người Mỹ 750.000 việc làm. Nếu bạn nhân con số này với 2 hoặc 3, sẽ thấy rằng có hơn một đến hai triệu việc làm phụ thuộc vào các công ty Đức".

NATO và chi tiêu quân sự

Trump chắn chắn sẽ muốn nói về chi tiêu quân sự và NATO. Ông này từng chỉ trích các đồng minh châu Âu không dành đủ ngân sách cho quân sự quốc phòng.

Trong số 28 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, chỉ có 5 nước tiêu 2% GDP hoặc hơn vào chi phí quân sự. Những nước còn lại, trong đó có Đức, từng cam kết sẽ đạt mức này năm 2024. Tuy vậy, Trump cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể làm tốt hơn thế, và ông này sẽ muốn nói về việc Đức cần đẩy nhanh tốc độ tăng chi tiêu.

"Đức nên trở thành tấm gương trong việc này", cố vấn cấp cao trong chính quyền Trump nói.

Tuy nhiên, điều này có thể đẩy bà Merkel vào thế khó, nhất trong năm tới khi bà tiếp tục tái tranh cử và chi tiêu quân sự sẽ không là ưu tiên đối với cử tri. Nhưng cũng có thể đây là cơ hội để bà chơi trò mà Trump ưa thích: Thương lượng.

"Bà ấy có thể gợi ý rằng nếu không có chính sách cực đoạn nào về thương mại từ phía Mỹ, Đức cũng sẽ dễ dàng đạt mục tiêu 2% sớm hơn", cố vấn của bà Merkel nói.

Tương lai của EU

"Hãy nhìn vào Liên minh châu Âu mà xem, đó là nước Đức. Cơ bản đó là cỗ máy cho nước Đức. Đó là lý do tại sao tôi nói nước Anh đã thật sáng suốt khi thoát ra".

Ông Donald Trump đã bình luận như vậy hồi tháng một, khi nói về việc các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm cách ngăn chặn phong trào dân túy đe dọa đến khối thống nhất. Trong bối cảnh nước Anh đang chuẩn bị kích hoạt quá trình rời EU bất cứ lúc nào, cùng cuộc bầu cử tại Hà Lan tuần nay, tại Pháp tháng tới, đó đều là những thách thức với sự tồn tại của Liên minh châu Âu.

Theo dự báo, bà Merkel sẽ bảo vệ quan điểm về châu Âu của mình với ông Trump, trong khi cố gắng không kích động một bất đồng chính trị. "Điều chúng tôi cần làm là giải thích về lịch sử của EU, về cách các nước trong khối có thể cùng hành động với Mỹ như thế nào", cố vấn của bà Merkel nói.

Vân Vũ