Cuộc đua công nghệ bán dẫn toàn cầu đang nóng lên
Chính phủ Hàn Quốc đã công bố Chiến lược Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cho các công nghệ cốt lõi, bao gồm chất bán dẫn, màn hình và pin thế hệ mới. Theo chiến lược này, Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư 160 nghìn tỷ won (11,83 tỷ USD) vào các quỹ công và tư, để hỗ trợ nghiên cứu cho ba công nghệ cốt lõi nói trên.
Ngoài ra, vào tháng 7/2023, Chính phủ Hàn Quốc cũng ban hành quyết định thành lập bảy "Khu phức hợp chuyên biệt" dành riêng cho ngành công nghiệp bán dẫn, màn hình và pin thứ cấp tại các thành phố lớn trên cả nước, tăng ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân thiết lập nhà máy hoặc cơ sở sản xuất tại các khu vực quan trọng này, hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, biến chúng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cho xây dựng hai khu phức hợp chuyên biệt phục vụ ngành công nghiệp chất bán dẫn (chip). Trong đó, khu thứ nhất nằm ở thành phố Yongin - Pyeongtaek thuộc tỉnh Gyeonggi sẽ phục vụ cho khoản đầu tư 56,2 tỷ won của Samsung Electronics Co., SK hynix Inc. và các nhà sản xuất chip khác vào sản xuất các sản phẩm bộ nhớ và chip hệ thống cho tới năm 2042.
Khu phức hợp thứ hai nằm ở Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang, dự kiến sẽ trở thành cơ sở chính cho các sản phẩm bán dẫn cốt lõi, chẳng hạn như tấm silicon và chất nền.
Mặc dù, Chính phủ Hàn Quốc đang khẳng định quyết tâm hỗ trợ ngành công nghệ bán dẫn quốc gia. Nhưng giới chuyên gia nước này vẫn lo ngại rằng Hàn Quốc đang chậm trễ trong cuộc đua để duy trì khoảng cách với các đối thủ tiềm năng khác trong ngành công nghệ tiên tiến toàn cầu.
Một số chuyên gia đánh giá ngay cả sau khi quyết định thành lập bảy tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, trong đó có hai tổ hợp bán dẫn, Chính phủ Hàn Quốc hiện vẫn chưa đưa ra kế hoạch phân bổ đầu tư cho chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng các tổ hợp chuyên ngành bán dẫn vào ngân sách năm 2024. Đáng lo ngại hơn, do chủ trương cắt giảm ngân sách R&D, ngân sách cho 5 dự án phát triển công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực bán dẫn trong năm tới của Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm trung bình 18% và ngân sách R&D dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) giảm 43%.
Hàn Quốc từ lâu đã nổi tiếng là một trong những nhà sản xuất chip bộ nhớ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp, bao gồm Samsung Electronics Co. và SK hynix Inc., chiếm tới 73,6% nguồn cung chip từ Hàn Quốc ra thế giới. Là nước đi đầu trong lĩnh vực chip tại châu Á, nhưng Hàn Quốc đang phải đối mặt với không ít thách thức gay gắt từ các đối thủ lớn, như hãng sản xuất chất bán dẫn Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) của Đài Loan (Trung Quốc).
Hơn nữa, Hàn Quốc còn đang bị cạnh tranh mạnh mẽ trước việc nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Các chính phủ ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ dự tính chi hàng chục tỷ USD đầu tư vào các nhà máy sản xuất chất bán dẫn, khi tình trạng thiếu hụt chip đang cản trở ngành công nghiệp ô tô và điện tử toàn cầu.
Một báo cáo mới công bố ở Nhật Bản cho biết Tokyo đang theo đuổi kế hoạch hỗ trợ thêm 3,4 nghìn tỷ yen (khoảng 22,73 tỷ USD) để thúc đẩy ngành bán dẫn nội địa. Số tiền này lớn gấp 1,7 lần so với số tiền 2 nghìn tỷ yen mà Chính phủ Nhật bản đã cung cấp cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn trong hai năm qua. Phương thức của Nhật Bản là đầu tư thêm ngân sách vào ba quỹ liên quan đến chất bán dẫn. Các khoản hỗ trợ cụ thể cũng đang được thảo luận, chẳng hạn như mức chi 600 tỷ yen cho Rapidus, một liên minh gồm các công ty bán dẫn Nhật Bản, và 900 tỷ yen cho nhà máy thứ hai của TSMC đầu tư tại Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực với mục tiêu vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn vốn đang tụt hậu so với Hàn Quốc và Đài Loan. Gần đây, Tokyo đã quyết định dỡ bỏ hạn chế phát triển đối với các khu vực vành đai xanh đã tồn tại hơn 50 năm qua, cho phép xây dựng các nhà máy công nghiệp công nghệ cao liên quan đến chất bán dẫn và lập nhà máy sản xuất pin ngay cả trên đất nông nghiệp và rừng. Cùng với đó, Nhật Bản cũng xem xét hỗ trợ thuế với hoạt động sản xuất chất bán dẫn của các công ty có cơ sở ở trong nước.
Không chỉ Nhật Bản, các nước trên thế giới như Mỹ, EU..., cũng đang nỗ lực tăng hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao ở cấp quốc gia thông qua trợ cấp của chính phủ và ưu đãi về thuế. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, để đảm bảo khả năng cạnh tranh duy trì khoảng cách với các đối thủ.
Mặc dù tín dụng thuế đối với đầu tư cơ sở vật chất và R&D đã được mở rộng cho các ngành chiến lược quốc gia như chất bán dẫn, nhưng mức thuế mà các công ty đầu tư vào Hàn Quốc phải nộp vẫn cao hơn 30% so với mức thuế của Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp số tiền đầu tư như nhau.
Theo giới chuyên môn nếu không nhanh chóng có điều chỉnh, Hàn Quốc có khả năng đang tụt hậu cả về số lượng và chất lượng so với đối thủ.