|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua chiếm thị trường chip cao cấp và tham vọng lớn của Samsung

06:56 | 13/06/2023
Chia sẻ
Vào thời điểm khó khăn, Samsung quyết định tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh mảng sản xuất chip tùy chỉnh cho khách hàng lớn như Qualcomm, Tesla, Intel và Sony, cũng như hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ.

Một loại chip của hãng Samsung. (Ảnh: Yonhap/TTXVN).

Tập đoàn Samsung vừa quyết định chuyển hướng kinh doanh sang một góc khác của thị trường chất bán dẫn trong bối cảnh thị trường ngày càng khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp.

Không chỉ được biết đến việc bao trùm hoạt động kinh doanh không giới hạn với các sản phẩm tiện ích và thiết bị gia dụng, Samsung còn là nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới.

Nếu như sản phẩm gia dụng của Samsung có ở khắp mọi nơi, từ tivi, máy giặt, tủ lạnh, thiết bị bếp... đến các thiết bị thông minh điện thoại di động, máy tính ... thì sản phẩm công nghệ chip nhớ của “đại gia” Hàn Quốc hầu như bao phủ thị trường toàn cầu trong hơn ba thập kỷ qua, bất chấp thị trường này đang ở giai đoạn hỗn loạn.

Năm ngoái, giá chip nhớ đã giảm mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm tới 23% trong quý hiện I năm nay.

Vào tháng Tư, Samsung đã báo cáo thu nhập ảm đạm trong quý 1/2023 với lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Nhưng chính giữa bối cảnh nhiều khó khăn, “người khổng lồ” đã tìm ra sự phát triển ở một góc khác của thị trường chất bán dẫn.

Tập đoàn này đã quyết định tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh mảng sản xuất chip tùy chỉnh cho các khách hàng lớn như Qualcomm, Tesla, Intel và Sony, cũng như hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ hơn.

Tham vọng lớn: "Soán ngôi" TSMC

Samsung mở văn phòng đầu tiên tại Mỹ ở New Jersey vào năm 1978 nhưng phải đến năm 1983, hãng mới bắt đầu việc sản xuất chip DRAM 64KB thường được sử dụng trong máy tính.

Sau chưa đầy một thập kỷ, vào năm 1992, Samsung đã tung ra thị trường phiên bản có dung lượng gấp 1.000 lần - chip DRAM 64 Mb đầu tiên trên thế giới.

Sản phẩm này được quốc tế hoan nghênh và giúp đưa Samsung lên vị trí hàng đầu trong thị trường chip nhớ, vị thế vẫn được hãng giữ vững cho đến ngày nay.

Samsung bắt đầu sản xuất chip ở Mỹ tại nhà máy ở Austin, Texas được động thổ vào năm 1996. Hãng đã mở một nhà máy thứ hai ở thủ phủ Texas vào năm 2007.

Hiện Samsung đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 17 tỷ USD ở Taylor (Texas), nơi được hứa hẹn sẽ bắt đầu sản xuất chip tiên tiến đầu tiên của Mỹ vào năm tới.

Bên cạnh đó, Samsung cũng đang bổ sung đầu tư để tăng cường công suất tại Hàn Quốc khi chi ra 228 tỷ USD cho một cụm gồm 5 nhà máy mới.

Trong bối cảnh gần đây, giới công nghệ đang dồn nhiều sự chú ý vào các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) cho các dịch vụ như ChatGPT của OpenAI. Những ứng dụng đó yêu cầu bộ xử lý mạnh hơn những sản phẩm hiện có chủ yếu đang được sản xuất bởi Nvidia-tập đoàn đa quốc gia, chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) và công nghệ chipset cho các máy trạm, máy tính cá nhân, và các thiết bị di động có trụ sở tại Santa Clara, California-hiện là nhà cung cấp chính các mạch tích hợp (ICS), đơn vị xử lý đồ họa (GPU) và chipset đồ họa được sử dụng trong thẻ nhớ…

Samsung đã thấy được cơ hội của mình khi nhìn nhận chip AI chính là ứng dụng trong tương lai cho công nghệ bán dẫn. Ngay lập tức hãng công bố sẽ đi sâu hơn vào phân khúc chip logic.

Vào tháng 10/2022, bằng việc công bố một lộ trình đầy tham vọng với mục tiêu tăng gấp ba công suất sản xuất các chất bán dẫn cao cấp và sản xuất chip 2 nanomet vào năm 2025, tiếp đó là sản xuất chip 1,4 nanomet vào năm 2027, nhà sản xuất chip tiên tiến lớn thứ hai thế giới đã tỏ rõ tham vọng của mình.

Đó là mục tiêu bắt kịp TSMC-công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và soán ngôi đầu của TSMC, qua đó bỏ xa hãng Intel (Mỹ)-tên tuổi lừng lẫy một thời trong lĩnh vực này.

Cơ hội từ căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, hoạt động kinh doanh của Samsung đã bị tổn thương do tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu khi nhu cầu đạt đỉnh và chuỗi cung ứng bị gián đoạn cùng với đó là nhu cầu về chip nhớ đã giảm mạnh do lạm phát gia tăng khiến người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu.

Nhưng, từ những phân tích dữ liệu nội bộ, Samsung đánh giá thị trường có thể sẽ phục hồi vào cuối năm nay với sự quay lại thị trường của các nhà đầu tư.

Cổ phiếu của Samsung sau khi giảm gần 30% vào năm ngoái đã tăng 28% tính từ đầu năm tới nay, đạt mức cao nhất trong 52 tuần vào ngày 5/6 tại sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Ngân hàng Morgan Stanley gần đây đã nêu tên cổ phiếu Samsung như một lựa chọn hàng đầu cho giới giao dịch.

Theo các nhà quan sát, một trong những lý do của mức tăng nói trên có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng của cuộc chiến địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đã lan sang lĩnh vực chip nhớ.

Vào tháng Năm, Trung Quốc đã cấm các sản phẩm từ nhà sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ, dẫn đến việc cổ phiếu của Samsung tăng vọt.

Mỹ cũng cấp cho Samsung quyền miễn trừ một năm để vận hành hai nhà máy sản xuất chip tại Trung Quốc, bất chấp các quy định hồi tháng 10/2022 ngăn cấm nhiều công ty sản xuất chip xuất khẩu công nghệ tiên tiến nhất của họ sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong ba thập kỷ qua, thị phần sản xuất chip toàn cầu của Mỹ đã giảm mạnh từ 37% xuống chỉ còn 12%. Điều đó phần lớn là do các ước tính cho thấy chi phí xây dựng và vận hành một nhà máy mới ở Mỹ cao hơn ít nhất 20% so với ở châu Á, nơi lao động rẻ hơn, chuỗi cung ứng dễ tiếp cận hơn và các chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi hơn.

Với đạo luật CHIPS và Khoa học, Chính phủ Mỹ hy vọng sẽ giải quyết được sự chênh lệch lớn về chi phí xây dựng giữa châu Á so với Mỹ.

Hoạt động sản xuất chip cũng sẽ rẻ hơn ở Mỹ nếu có thêm nhiều công ty trong chuỗi cung ứng mở rộng tại nước này.

Đây sẽ là cơ hội cho những nhà sản xuất đến từ châu Á như Samsung hay TSMC.

và những khó khăn đến từ môi trường

Nếu như Samsung đang gia tăng sự hiện diện của mình tại Texas, thì Intel cho xây dựng thêm những nhà máy mới cỡ lớn ở Arizona, Ohio và châu Âu và TSMC hướng đến Arizona với mức chi dự kiến 40 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất chip mới tại đây.

Với việc mở rộng hoạt động ở Texas, Samsung đang phải đối mặt với các mối quan tâm về tác động môi trường ngày càng gia tăng.

Tòa nhà công ty Samsung ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tại nhà máy ở Taylor, để sản xuất những con chip tiên tiến nhất Samsung cần phải mang đến máy in thạch bản EUV- một trong những thiết bị có giá cao nhất khoảng 200 triệu USD do ASML sản xuất.

Mỗi EUV - thiết bị duy nhất trên thế giới có thể khắc với độ chính xác đủ cao cho những con chip tiên tiến nhất này, được đánh giá tiêu thụ khoảng 1 megawatt điện, cao hơn 10% so với thế hệ trước.

Một nghiên cứu cho thấy Samsung đã sử dụng hơn 20% tổng công suất năng lượng Mặt Trời và gió của Hàn Quốc vào năm 2020.

Tuy nhiên, mạng lưới năng lượng của Texas có đặc điểm là biệt lập với các bang láng giềng, vì thế khả năng “vay mượn” nguồn điện của bang này trong trường hợp khẩn cấp là vô cùng hạn chế. Chưa tính đến những sự cố bất ngờ như sự cố đến từ cơn bão mùa Đông khắc nghiệt năm 2021 đã khiến hàng triệu người không có điện và làm ít nhất 57 người thiệt mạng.

Ngoài điện, nước cũng là một nhu cầu quan trọng khác đối với các nhà máy sản xuất chip. Số liệu cho thấy, Samsung đã sử dụng khoảng 38 tỷ gallon nước (1 gallon=3,78 lít) để sản xuất chip vào năm 2021. Điều này là một thách thức lớn khi mà 80% diện tích Texas luôn trong tình trạng bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Điều này cho thấy, Samsung sẽ phải gia tăng việc tái sử dụng nước.

Theo đó, Samsung hướng tới tái sử dụng hơn 1 tỷ gallon nước vào năm 2023 tại nhà máy Austin.

Trong công bố mới đây, Samsung cho hay mục tiêu của họ là sẽ tái sử dụng hơn 75% lượng nước đã dùng tại nhà máy Taylor mới.

H.Thuỷ