|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

\"Cuộc chơi\" cho vay tiêu dùng tái khởi động

18:32 | 02/11/2016
Chia sẻ
Thông tin về Thông tư cho vay tiêu dùng sắp được ban hành khiến thị trường cho vay món nhỏ đang nóng dần trở lại.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngay trong tháng 11 này, NHNN sẽ chính thức ban hành Thông tư về cho vay tài chính tiêu dùng và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017.

Phát biểu về thông tin này, một lãnh đạo của Home Credit - công ty tài chính tiêu dùng trong nhóm quy mô lớn nhất hiện nay cho biết: “Nếu nói là nức lòng có lẽ là hơi quá, nhưng đây là bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam”.

“Dù dự thảo Thông tư đã công bố đến lần thứ 2 và vẫn còn những điểm chưa hợp lý, nhưng trong bối cảnh các công ty tài chính vẫn ‘đang sử dụng chung’ khung khổ pháp lý với các loại hình định chế tài chính khác, thì rõ ràng, sự ra đời của thông tư này là rất cần thiết”, vị lãnh đạo trên cho hay.

Theo thống kê của Stockplus, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang bùng nổ. Từ con số 10,5 tỷ USD dư nợ cuối năm 2014 đã lên tới 15,12 tỷ USD cuối năm 2015 (tăng 44%). Bên cạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, khối các công ty tài chính cũng đóng góp không nhỏ.

Các công ty tài chính tiêu dùng dù hầu hết mới thành lập, nhưng với cách thức cho vay các món nhỏ (điện thoại, điện máy…), thủ tục giải ngân chỉ trong khoảng 1 giờ, giấy tờ đơn giản, tư vấn trực tiếp tại điểm bán hàng... nên nhanh chóng thu hút khách hàng tham gia, đặc biệt là giới trẻ.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, tín dụng tiêu dùng 10 tháng đã tăng 31,2% so với cuối năm 2015, chiếm 11,3% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,7%), tập trung chủ yếu vào nhu cầu sửa chữa nhà, mua nhà để ở (chiếm khoảng 49,7%), mua đồ dùng, trang thiết bị (23,1%) và phương tiện đi lại (9,4%).

Điều đáng nói, tín dụng tiêu dùng không chỉ tăng trưởng nhanh, mà còn trở trở thành kênh “kiếm thu nhập” lớn cho các ngân hàng (từ nghiệp vụ cho vay bán lẻ). Và nếu ngân hàng sở hữu thêm một công ty tài chính nữa thì “lợi ích sẽ nhân đôi”. Chẳng hạn, tại VPBank, năm 2015, ngân hàng này lãi 3.096 tỷ đồng thì trong đó có hơn 1.000 tỷ đồng đến từ công ty tài chính FECredit.

Mặc dù vậy, do thiếu một khung khổ pháp lý tốt, nên khối công ty tài chính tiêu dùng, lực lượng chủ đạo cấp các khoản vay tiêu dùng, cũng chịu nhiều “điều tiếng”. Đặc biệt trong câu chuyện lãi suất, các khoản vay với lãi suất rất cao tới 30-40%/năm luôn bị so sánh là “vay nặng lãi” hay “tín dụng đen”, dù đó là đặc trưng cho các món vay tiêu dùng thời gian ngắn, rủi ro cao mà lãnh đạo các “công ty tài chính có thanh minh mấy cũng khó xuôi”.

Chính vì vậy, việc có một Thông tư hướng dẫn riêng được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cho các công ty tài chính phát triển. Đặc biệt, điều này sẽ “kích hoạt” các kế hoạch thành lập mới, mua lại các công ty tài chính của khối ngân hàng quay trở lại, sau thời gian im ắng.

Tín hiệu sớm

Cùng với thông tin Thông tư về cho vay tiêu dùng sắp ban hành thì thị trường cũng chứng kiến sự khởi động sớm của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Trong thông báo mới nhất được phát đi, SHB cho biết, đã được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc việc nhận sáp nhập VVF vào SHB.

Với bản thân VVF - Công ty cổ phần tài chính Vinaconex-Viettel, chuyện sáp nhập vào SHB là khá dài. Sau nhiều điều tiếng trong quá trình góp vốn, thì VVF chỉ thực sự tìm được hướng đi khi Đại hội đồng cổ đông bất thường của SHB (tháng 10/2015) thông qua chủ trương thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng SHB để đẩy mạnh phát triển ở mảng bán lẻ theo đúng mục tiêu chiến lược của Ngân hàng.

VVF là cái tên được nhắc tới

Phát biểu tại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Sự ra đời của công ty tài chính tiêu dùng sẽ giúp SHB phục vụ tốt hơn nhóm các khách hàng có thu nhập trung bình khá trở xuống, các khoản vay có giá trị nhỏ như cho vay mua xe máy, đồ điện tử, đồ gia dụng và khoản vay không có tài sản bảo đảm…”

“Điều này không chồng chéo hay hạn chế sự phát triển của mảng tín dụng tiêu dùng của SHB, do khối tín dụng của Ngân hàng sẽ tập trung vào mảng các khách hàng có thu nhập cao, các khoản vay có giá trị lớn và các sản phẩm chủ yếu là cho vay mua nhà, sữa chữa và nâng cấp nhà cửa, mua ô tô phân khúc trung bình khá… được đảm bảo bằng tài sản của khách hàng”, ông Lê cho biết.

Nói là như vậy, nhưng cũng phải chờ tới thời điểm hiện tại SHB mới kích hoạt kế hoạch của mình. Cụ thể. song song với việc nhận sáp nhập, SHB sẽ cho ra đời Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (viết tắt là Công ty tài chính tiêu dùng SHB), với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Công ty tài chính tiêu dùng SHB hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng với các sản phẩm đa dạng, tiện ích trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của người dân Việt Nam…

Đó là diễn biến mới nhất trên thị trường cho vay tiêu dùng, còn thị trường tới đây sẽ thế nào? Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, cho vay tiêu dùng và việc thành lập các công ty tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục bùng nổ thời gian tới, vì theo bà Dương, “với xu hướng vay tiêu dùng tăng mạnh như hiện tại, khi có các công ty tài chính trong tay, các ngân hàng sẽ có các ‘cây cầu trung chuyển’ nhằm tiếp cận khối lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ mà trước đây chưa từng chạm đến”.

“Vấn đề ở chỗ, khi thành lập hàng loạt các công ty tài chính tiêu dùng, sức cạnh tranh ở phân khúc cho vay này sẽ rất nóng và để kiếm lời từ hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ không phải dễ dàng”, bà Dương cho biết.

Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối 2015, có tổng cộng 16 công ty tài chính tại Việt Nam, tuy nhiên, hoạt động thực sự hiệu quả và mang lại lợi nhuận lớn thì chủ yếu ở vài cái tên như HD Saison, HomeCredit, FECredit.

Nhuệ Mẫn