Cùng xuất hàng nhiều sang Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam hay nước nào trong ASEAN phục hồi sau nửa năm nước này mở cửa?
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2022, Malaysia, Việt Nam và Indonesia lần lượt là ba nước ASEAN mà Trung Quốc nhập khẩu hàng nhiều nhất.
Malaysia xuất khẩu hàng điện tử, linh kiện điện tử, khí đốt nhất sang Trung Quốc. Trong khi đó Indonesia xuất khẩu than, quặng kim loại. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang đất nước tỷ dân gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng thủy sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ; xơ, sợi dệt các loại.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất trong tháng 5
Trung Quốc mở cửa hoàn toàn từ đầu tháng 1/2023. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh, qua đó tác động tích cực đến các đối tác thương mại lớn của nước này như Việt Nam, Indonesia, Malaysia.
Theo số liệu mới nhất được công bố, trong nhóm ba nước, xuất khẩu trong tháng 5 của Việt Nam tăng mạnh nhất so với cùng kỳ (21,8%), đồng thời cắt đứt chuỗi tăng trưởng âm liên tiếp từ tháng 11/2022.
Indonesia đạt mức tăng nhẹ gần 4%. Từ đầu 2022, xuất khẩu của Indonesia chỉ có duy nhất tháng 4/2023 bị sụt giảm, còn lại đều tăng trưởng đều đặn so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu trong tháng 5 của Malaysia sụt giảm 2,8%. Xuất khẩu của quốc gia này sang Trung Quốc bắt đầu suy yếu từ tháng 9/2022 và đến nay vẫn chưa thoát tăng trưởng âm, mặc dù đà giảm đã yếu đi rõ rệt.
So sánh với tháng trước, xuất khẩu sang Trung Quốc của cả ba nền kinh tế này đều tăng trong tháng 5.
Tuy nhiên nếu xét 5 tháng đầu năm 2023, chỉ có xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc tăng trưởng dương (gần 8% so với cùng kỳ). Việt Nam và Malaysia lần lượt sụt giảm 6,7% và 10,1%.
Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể cải thiện những tháng tới nhờ mức nền thấp
Dù xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 5 so với cùng kỳ, nhưng theo đánh giá mới đây của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE), việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đã không thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
MBKE cho rằng mức tăng 21,8% so với tháng 5/2022 một phần nhờ mức so sánh thấp. Các chuyên gia tại đây cũng đề cập đến số liệu không mấy tích cực 5 tháng đầu năm, khi xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn giảm 6,7% so với cùng kỳ.
Khối phân tích nhận định xuất khẩu sang Trung Quốc có thể cải thiện trong những tháng tới, nhờ mức so sánh thấp của năm trước do Trung quốc phong tỏa.
"Nhu cầu từ Trung Quốc sẽ mạnh lên trong năm tới khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, giúp bù đắp nhu cầu đang suy yếu của Mỹ", MBKE cho hay.
Tuy nhiên, theo MBKE, sức mạnh phục hồi xuất khẩu có thể bị hạn chế bởi hai yếu tố.
Thứ nhất, tiên lượng nhu cầu toàn cầu ảm đạm có thể làm giảm khả năng phục hồi, do các đầu vào thượng nguồn chiếm phần lớn các chuyến hàng của Việt Nam sang Trung Quốc, sau đó được chế biến thành hàng hóa hoàn chỉnh dành cho xuất khẩu sang các nền kinh tế thứ ba. Hàng hóa trung gian và nguyên liệu thô chiếm trung bình 43% tổng số lô hàng trong giai đoạn 2015 đến 2019, trong khi tư liệu sản xuất chiếm thêm 40%.
Thứ hai, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu nội địa của Trung Quốc phục hồi.
Trước đó, hồi tháng 2 đầu năm, các chuyên gia của FiinGroup cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho một vài ngành trong nước như Du lịch và Thủy sản (cá tra) nhưng, xét về tổng thể, việc tăng xuất khẩu sang Trung Quốc không thể bù đắp lượng đơn hàng sụt giảm từ các thị trường lớn khác. Hơn nữa, nguồn cung giá hợp lý từ Trung Quốc khiến áp lực cạnh tranh cao hơn ở các thị trường xuất khẩu lớn.