|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cung cầu ngoại tệ vẫn trong thế cân bằng

14:51 | 23/11/2016
Chia sẻ
NHNN sẽ có sự tính toán cụ thể để đảm bảo thanh khoản, giao dịch trên thị trường thuận lợi, hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển, đặc biệt hỗ trợ cho xuất khẩu và các hoạt động khác của nền kinh tế

Thị trường ngoại hối trong những ngày gần đây có những xáo trộn nhất định. Sau thông cáo chính thức của NHNN, tỷ giá bắt đầu ổn định trở lại. Liệu từ nay đến cuối năm tỷ giá có còn chịu sức ép nào nữa không?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Thanh Hà để nhìn nhận lại diễn biến tỷ giá trong những ngày qua và dự báo thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về diễn biến trên thị trường ngoại hối trong những ngày qua?

Đến thời điểm này có thể thấy thị trường ngoại hối năm 2016 rất ổn định. Nhìn lại những diễn biến của tỷ giá trong những ngày qua rõ ràng mức độ biến động của tỷ giá khoảng 200 đồng/1 USD tức là dưới 1% là khá nhỏ so với năm trước. Để có được kết quả này là nhờ yếu tố thị trường và điều chỉnh chính sách của NHNN.

Xét về yếu tố thị trường, nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào ở cả ba khía cạnh: thặng dư thương mại của Việt Nam trong 10 tháng đã xuất siêu khoảng 3,2 tỷ USD. Giải ngân vốn FDI tăng trưởng khá mạnh, đạt khoảng 12,7 tỷ USD trong mấy tháng đầu năm. Khía cạnh nữa chính là yếu tố tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn nên lượng ngoại tệ “giải phóng” ra khỏi hệ thống NH khá lớn tạo ra ba nguồn cung chính trong năm nay.

cung cau ngoai te van trong the can bang

Còn về phía cầu, từ đầu năm đến nay vẫn diễn ra bình thường vì DN vẫn có nhu cầu sử dụng ngoại tệ để thanh toán, vay nợ. Chúng tôi nghĩ cầu ngoại tệ tương đối ổn định và cũng phù hợp với diễn biến như các năm trước. Tóm lại, với cung - cầu như vậy, thị trường luôn ở trạng thái dư thừa ngoại tệ.

Trở lại diễn biến tỷ giá mấy ngày gần đây, theo tôi chủ yếu từ tác động của yếu tố trên thị trường quốc tế. Như chúng tôi theo dõi thấy chỉ số US Dollar Index (chỉ số dùng để đo giá trị đồng US dollar trên thị trường thế giới) phản ánh tỷ giá tương quan giữa đồng USD với các đồng ngoại tệ mạnh khác trên thế giới, đã tăng cao nhất trong gần 14 năm qua tính từ tháng 4/2013 trở lại đây. Đấy là nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước tăng theo. Còn trong nước, cung - cầu vẫn đang trong thế cân bằng.

Bên cạnh đó, NHNN rất chủ động, linh hoạt trong việc công bố tỷ giá trung tâm từ tháng 1/1/2016 và sẵn sàng mua bán với thị trường với tư cách là người mua bán cuối cùng. NHNN cũng đã trực tiếp thực hiện giao dịch có kỳ hạn từ đầu năm với các TCTD. Vì vậy, diễn biến thị trường ngoại hối trong những ngày qua nằm trong tầm kiểm soát của NHNN.

Trước sự biến động này liệu có cần thiết phải sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường?

Theo chúng tôi quan sát động thái mua bán với khách hàng trong thời gian gần đây, kể cả lúc tỷ giá tăng nhanh thì vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng găm giữ, đầu cơ. Như vậy, thị trường vẫn hoàn toàn có thể tự xử lý được. Trong bối cảnh đồng USD tăng giá thì đồng VND có thể nhích lên theo xu hướng chung của thị trường vì thế chưa nhất thiết phải có sự can thiệp của NHNN trong lúc này, mà cần theo dõi thêm.

Theo ông, những yếu tố nào có thể tác động tới tỷ giá của Việt Nam từ nay đến những tháng đầu năm 2017?

Tôi nghĩ, trong nước, cung cầu khá ổn định và NHNN có đầy đủ nguồn lực để sẵn sàng can thiệp. Vì thế theo tôi yếu tố trong nước không có gì đáng lo ngại mà chỉ là yếu tố từ bên ngoài, nhất là từ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11, với định hướng chính sách là kích thích tăng trưởng của Mỹ cũng như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm tăng lãi suất cơ bản đã khiến đồng USD lên giá. Với diễn biến trên, đồng USD có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, nên tỷ giá trong nước sẽ theo đà tăng lên cùng xu hướng chung của thế giới. Theo tôi biến động trong thời gian tới không quá lớn và chúng ta có thể kiểm soát được.

cung cau ngoai te van trong the can bang

NHNN sẽ có tính toán riêng của mình căn cứ vào điều kiện nội tại của Việt Nam với diễn biến ở bên ngoài để đảm bảo ổn định tỷ giá. Theo đó, NHNN sẽ có sự tính toán cụ thể để đảm bảo thanh khoản, giao dịch trên thị trường thuận lợi, hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển, đặc biệt hỗ trợ cho xuất khẩu và các hoạt động khác của nền kinh tế.

Với những điều chỉnh và chủ động trong việc can thiệp thị trường thời gian qua, tôi tin có đủ công cụ của chính sách để giữ được sự ổn định trong thị trường ngoại hối nói riêng, thị trường tiền tệ nói chung theo đúng định hướng, mục tiêu đặt ra.

Ông đánh giá thế nào về quyết định tiếp tục cho DN xuất khẩu vay ngoại tệ đến hết năm 2017?

Việc NHNN tiếp tục cho phép DN xuất khẩu vay ngoại tệ sẽ hỗ trợ cho họ có nguồn cung ngoại tệ và tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn 1 cách tương đối so với đồng VND. Và hoạt động cho vay này cũng không có rủi ro về tỷ giá vì các DN đều có nguồn thu về ngoại tệ.

Sau khi tăng mức kỷ lục từ trước đến nay, ngày 22/11, NHNN công bố tỷ giá trung tâm là 22.120 đồng/USD giảm 4 đồng so với ngày 21/11. Tại khối NHTM, biên độ mua bán thu hẹp dần. Ngày 22/11, Vietcombank mua bán USD ở mức 22.515 đồng/USD - 22.595 đồng/USD, khoảng cách mua bán thu hẹp còn 85 đồng/USD, giảm 15 đồng/USD so với ngày hôm trước. Cũng như vậy, tại VietinBank, tỷ giá giảm nhẹ hiện đang được niêm yết ở mức 22.535 đồng/USD (mua vào) giảm 20 đồng/USD so với ngày 21/11 và bán ra ở mức 22.605 đồng/USD giảm nhẹ 10 đồng/USD. Khoảng cách mua bán tại VietinBank thu hẹp chỉ còn 70 đồng thay vì 100 đồng/USD như phiên trước đó.

Chí Nguyễn