|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khu nhà ở 226 ha tại quận Hà Đông: Dấu hỏi về năng lực của chủ đầu tư Phong Phú

18:40 | 12/08/2020
Chia sẻ
Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai của CTCP Đầu tư Phong phú "nằm trên giấy" cả chục năm nay vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ Qui hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500.

Liên tục điều chỉnh qui hoạch

Khu đất dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai do CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú (Công ty Phong Phú) là chủ đầu tư, vốn được qui hoạch với chức năng là cụm công nghiệp.

Diện tích qui hoạch dự án là 225 ha, được thu hồi tại các xã Đồng Mai, Yên Nghĩa, Phú Lãm (quận Hà Đông) bởi quyết định thu hồi của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) hồi tháng 6/2007, nhằm mục tiêu đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng và quản lí hạ tầng kĩ thuật sau đầu tư Cụm công nghiệp Đồng Mai.

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, TP Hà Nội có chủ trương di dời các khu công nghiệp ra khỏi khu vực phát triển đô thị. Nhận thấy dự án Cụm công nghiệp Đồng Mai không còn phù hợp về chủ trương qui hoạch, Công ty Phong Phú đã đề nghị điều chỉnh qui hoạch và điều chỉnh chức năng từ Cụm công nghiệp thành Khu đô thị Đồng Mai.

Khu nhà ở Đồng Mai 226 ha của Công ty Phong Phú liệu còn bệ đỡ? - Ảnh 1.

Phối cảnh minh họa phân khu khu vực Đồng Mai.

Đáng nói, từ năm 2009 đến nay, TP Hà Nội liên tục có các quyết định liên quan đến việc điều chỉnh qui hoạch dự án.

Cụ thể, tháng 11/2009, UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, lập điều chỉnh qui hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai tỉ lệ 1/2000.

4 năm sau, tháng 8/2013, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai tỉ lệ 1/2000. Quyết định này được xem là cơ sở để Công ty Phong Phú thực hiện các bước thủ tục chuyển đổi sang xây dựng đô thị sau này.

Đến năm 2015, UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt Qui hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, tỉ lệ 1/500. Theo đó, tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập qui hoạch khoảng 214,08 ha, dân số khoảng 10.094 người.

Đến năm 2018, UBND TP Hà Nội một lần nữa ban hành Quyết định phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Qui hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai, tỉ lệ 1/2000. 

Theo đó, khu vực lập qui hoạch phân khu Khu vực Đồng Mai bao gồm: Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai và Khu Nhà ở xã hội cho cán bộ, sĩ quan quân đội khó khăn về nhà ở tại phường Đồng Mai.

Mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Qui hoạch chi tiết khu vực Đồng Mai, tỉ lệ 1/500.

Cụ thể, khu vực nghiên cứu lập qui hoạch có tổng diện tích 226 ha, qui mô dân số khoảng 19.500 người, thuộc địa giới hành chính các phường Đồng Mai, Phú Lãm, Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Khu vực lập qui hoạch sẽ chia thành 2 khu, bao gồm: Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai và khu nhà ở xã hội. Thời gian hoàn thành lập đồ án qui hoạch chi tiết không quá 6 tháng tính từ ngày có quyết định phê duyệt nhiệm vụ qui hoạch chi tiết.

Như vậy, sau nhiều năm bất động, dự án cụm công nghiệp Đồng Mai sắp trở thành khu đô thị qui mô đến 226 ha nếu chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ.

Năng lực của Công ty Phong Phú ra sao?

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú (Công ty Phong Phú) thành lập ngày 16/9/2005, có địa chỉ trụ sở chính tại Lầu 11, tòa nhà HUD, 159 Điện Biên Phủ, Quận Bình Thạnh, TP HCM. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Phan Văn Trang (sinh năm 1959).

Theo tìm hiểu, ông Trang hiện đang là Thành viên Hội đồng quản trị của CTCP Dệt may Hoàng Thị Loan (Mã: HLT). Tháng 4 vừa qua, ông Trang đã thực hiện mua vào 184.700 cổ phiếu, nâng tỉ lệ sở hữu tại HLT từ 18,2% lên 23,2%.

Dệt may Hoàng Thị Loan tiền thân được thành lập từ việc sáp nhập 2 doanh nghiệp là nhà máy sợi Vinh – nhà máy thành viên của Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Công ty Dệt kim Hoàng Thị Loan – nguyên là doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh Nghệ An.

Tháng 11/2005 Dệt may Hoàng Thị Loan tiến hành cổ phần hóa, đến cuối năm 2005 công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 16 tỉ đồng. Tháng 1/2013 công ty tiến hành tăng vốn điều lệ lên 33,6 tỉ đồng và giữ nguyên cho đến nay.

Đến thời điểm cuối năm 2019, Dệt may Hoàng Thị Loan có một cổ đông lớn duy nhất là công ty mẹ - Tổng CTCP Dệt may Hà Nội sở hữu 75,58% vốn điều lệ.

Trước đó, vị trí này từng được đảm nhiệm bởi ông Trần Quang Sáng (sinh năm 1950). Ông Sáng từng là thành viên HĐQT Tổng CTCP Phong Phú (Phong Phú Corp - Mã: PPH) và và Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phước Phát.

Thời điểm mới thành lập, Công ty Phong Phú có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, tháng 11/2009 tăng lên 200 tỉ đồng.

Khi đó, doanh nghiệp này gồm 3 cổ đông là Công ty Dệt Phong Phú (nay là Tổng CTCP Phong Phú - công ty con thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam  (Vinatex - Mã: VGT) với tỉ lệ nắm giữ tính tới đầu năm 2017 là 50,10% vốn điều lệ), CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức và ông Phạm Uyên Nguyên.

Lúc này ông Phạm Uyên Nguyên giữ chức Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty Phong Phú, đồng thời là Giám đốc điều hành, kiêm trưởng văn phòng đại diện quĩ VinaCapital.

Đến tháng 9/2017, cơ cấu cổ đông của Công ty Phong Phú có sự thay đổi. Theo đó, Phong Phú Corp chỉ còn nắm giữ 26,93% vốn góp, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House - Mã: TDH) nắm 27%, Quĩ Vietnam Opprunity Fund Ltd (quĩ thuộc VinaCapital) nắm 32,31% và Công ty TNHH Thương mại Phước Phát nắm 8,08% vốn góp.

Đến cuối năm 2017, Thủ Đức House vẫn nắm giữ 27% vốn góp tại Công ty Phong Phú nhưng Phong Phú Corp đã thoái toàn bộ 26,93% vốn tại doanh nghiệp này.

Hai nhà đầu tư tổ chức đã tham gia đấu giá toàn bộ số cổ phần của Phong Phú Corp là Công ty TNHH Xây dựng Phong Đức và CTCP Xây lắp 6. Hai nhà đầu tư đã chi khoảng 67,5 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng số cổ phần trên.

Tuy nhiên, theo BCTC hợp nhất quí II/2020 của Phong Phú Corp, cho đến thời điểm 30/6/2020, doanh nghiệp này vẫn đang ghi nhận hơn 61 tỉ đồng cho vay từ Công ty Phong Phú.

Ngoài ra, Phong Phú Corp còn hơn 98 tỉ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia; 39 tỉ đồng tiền lãi cho vay và hơn 6 tỉ đồng tiền hợp tác dự án Đồng Mai từ doanh nghiệp này.

Đến nay, cả 3 cổ đông lớn là Tổng CTCP Phong Phú, Thủ Đức House và Quĩ Vietnam Opprunity Fund Ltd đều đã thoái hết vốn khỏi Công ty Phong Phú. 

Hiện danh sách cổ đông mới tại CTCP Phong Phú không được công bố. Theo nguồn tin riêng, sở hữu phần lớn cổ phần Công ty Phong Phú hiện thuộc về các nhà đầu tư cá nhân.

Theo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, tháng 12/2014, Công ty Phong Phú đã thế chấp toàn bộ các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh và khai thác tại dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) - Chi nhánh Hà Đông để huy động vốn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.