Cục trưởng Chăn nuôi: Chưa năm nào giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh như giai đoạn 2021-2022
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn heo khoảng 28,6 triệu con tăng 3,2% so với năm 2021. Năm 2022, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt là chi phí thức ăn tăng lên trong khi giá bán không như kỳ vọng.
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2022, Cục trưởng Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng chưa có giai đoạn nào giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh đến vậy và kéo dài trong suốt 2 năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột địa chính trị và dịch bệnh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ở một số quốc gia khiến sản lượng của các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô, lúa mỳ bị ảnh hưởng.
Theo Trung tâm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), giá nguyên liệu thô tăng lên, cụ thể giá ngô, lúa mì và đậu tương tăng lần lượt 17%, 60% và 10%.
Giá các nguyên liệu thô này đã đạt đỉnh vào quý 2 năm 2022, sau đó giảm tốc trong nửa cuối năm 2022.
Tuy nhiên, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn chưa hạ nhiệt và việc giảm giá đang diễn ra chậm hơn dự kiến. Chi phí thức ăn chăn nuôi thường mất một khoảng thời gian nhất định để giảm, vì các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chịu chi phí nhập khẩu cao trong một thời gian dài, và tình hình càng khó khăn hơn trong bối cảnh VND mất giá so với USD.
Do đó, chi phí thức ăn đã tăng 38% so với cùng kỳ và gấp đôi so với mức chi phí năm 2020, ảnh hưởng đáng kể đến không chỉ các trang trại hộ gia đình mà còn cả các trang trại thương mại vì chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 75% tổng chi phí chăn nuôi.
Chi phí sản xuất trung bình của trang trại hộ gia đình ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg.
Với giá heo hơi bình quân 55.000 đồng/kg vào năm 2022, các hộ chăn nuôi hầu như không có lãi. Các trang trại thương mại theo mô hình 3F (Feed-FarmFood) mặc dù không bị ảnh hưởng nặng nề như các trang trại hộ gia đình nhưng biên lợi nhuận vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước. Lợi nhuận của các trang trại thương mại hiện đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Ông Thắng nhấn mạnh: "Về sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào như ngô, khô dầu đậu tương trong nước mới chỉ đáp ứng từ 30% đến 35%.
Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với một số Tập đoàn như Dehus, Hùng Nhơn để triển khai mô hình liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Cục cũng làm việc với một số địa phương có lợi thế khác để phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, từng bước chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu".
Ngoài ra, ông Thắng cho rằng thị trường tiêu thụ đang là vấn đề muôn thuở của ngàm chăm nuôi khi hâu kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập, khâu trung gian có nhiều lợi nhuận nhất. Giá thịt từ khi xuất chuồng lên đến bàn ăn tăng tới 1,7 lần. Ông Thắng cho rằng đây là bất cập lớn cần phải được giải quyết.
Ông cho rằng khi Việt Nam tham gia các FTA ngành chăn nuôi có nhiều cơ hội phát triển nhưng đồng thời cũng cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế thu hút sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực giết mổ, chế biến.