Cục diện Trung-Mỹ sau hai vòng đàm phán
Khi vòng hội đàm thương mại Mỹ-Trung đầu tiên diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 5, không nhiều người tin tưởng các bất đồng sâu sắc giữa hai bên có thể lập tức hàn gắn. Dù vậy đó vẫn là một dịp giúp làm rõ lập trường cụ thể của đôi bên. Sau 48 giờ đối thoại tại Bắc Kinh, bản yêu sách mà phái đoàn Mỹ trình bày trước các đối tác Trung Quốc (TQ) là dấu ấn đáng chú ý nhất.
Lần thứ nhất: Mỹ tự tin “kèo trên”
Cho đến nay, ấn tượng bao trùm lên các phát ngôn về tranh chấp thương mại với TQ từ phía chính quyền Trump đều xoay quanh vấn đề thâm hụt thương mại. Vì vậy không khó hiểu khi nội dung này chiếm một phần đáng kể trong bản yêu sách. Cụ thể, phía Mỹ yêu cầu TQ tìm cách cắt giảm thặng dư thương mại tương đương 200 tỉ USD theo lộ trình tới năm 2020, trong đó 75% lộ trình này phải được hoàn tất trong năm đầu tiên tính từ tháng 6-2018.
Dù vậy đây chỉ là một trong nhiều nhóm nội dung quan trọng của bản yêu sách. Các nội dung khác do phía Mỹ đề xuất chủ yếu nhắm đến các hành vi xoay quanh đề án “Made in China 2025.” Đây là nỗ lực của TQ nhằm làm chủ công nghệ sản xuất trong nước, giảm thiểu phụ thuộc vào nền tảng nước ngoài.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, TQ đang thực hiện những điều mà phía Mỹ cho là gian lận: Nhiều lĩnh vực kinh doanh bị cấm nhận đầu tư nước ngoài tại TQ và điều kiện bắt buộc chuyển giao công nghệ với những doanh nghiệp (DN) được phép đầu tư. Đi kèm chính sách đầu tư ngặt nghèo là hàng loạt hình thức trợ cấp cho DN trong nước thông qua các quỹ đầu tư, chương trình mua sắm công; và ngay cả dung túng cho các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài các nội dung yêu sách, phái đoàn Mỹ còn trao cho các đại diện TQ một bản kế hoạch thực hiện cam kết, trong đó bao gồm các điều khoản giám sát và cho phép Mỹ được áp dụng các hình thức hạn chế nhập khẩu, đầu tư với TQ mà không phải nhận lại các biện pháp trả đũa.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chuẩn bị đến Trung Quốc để tìm lại ưu thế cho Mỹ. Ảnh: medium.com |
Nhìn tổng thể, các yêu sách của Mỹ khi đó “đưa ra là để bị khước từ”. Các nội dung can thiệp sâu vào chính sách nội bộ của TQ, trong khi cài cắm các khoản giới hạn quyền trả đũa khi phía Mỹ làm điều tương tự với DN TQ khiến Bắc Kinh gần như không có lý do gì để đi đến thỏa thuận với Washington.
Quả thực, cuộc hội đàm thứ nhất không đem lại kết quả nào khả quan. Thông cáo do Bắc Kinh đưa ra sau đó mô tả cuộc hội đàm là “thẳng thắn” và “hiệu quả” hay có thể hiểu chính xác hơn là “nảy lửa” và “chóng vánh”.
Phái đoàn Mỹ tỏ ra tự tin là họ chiếm thế thượng phong. Trước đó, lần lượt ZTE và sau đó là Huawei đã bị bức tử khi các lệnh cấm DN Mỹ xuất khẩu linh kiện và phần mềm cho hai tập đoàn này được thực hiện. Dù vậy, phía Mỹ có thể đã lúng túng trước những rạn nứt trong lập trường từ chính đoàn công tác của mình. Các tường thuật cho biết bên lề cuộc hội đàm thứ hai tại Washington, đã có cãi vã to tiếng giữa Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn thương mại Peter Navarro. Cụ thể, Navarro, người có tư tưởng “chủ chiến” về thương mại, cảm thấy bị cô lập khỏi quá trình đàm phán trước việc lịch trình đàm phán ưu tiên hội đàm riêng giữa Mnuchin và Lưu Hạc.
Lần thứ hai: Trung Quốc vững vàng
Ngược lại, các diễn biến sau dịp hội đàm lần hai cho thấy phía TQ vẫn vững vàng. Họ tỏ ra mềm mỏng ở một số điểm, tuy nhiên đồng thời vẫn bám chắc lợi ích cốt lõi khác. Trong tuyên bố chung sau hội đàm, đã có một thỏa thuận về việc Bắc Kinh phải tăng mức nhập khẩu hàng hóa nông sản và nhiên liệu từ Mỹ, một nước đi lập tức xoa dịu những diễn ngôn bảo hộ thương mại từ cả hai phía. Đáng nói là đằng sau lời hứa của mình, phía TQ không đưa ra con số cụ thể về lượng hàng hóa dịch vụ sẽ mua thêm.
Cũng cần phải nói đến những gì không được đề cập trong tuyên bố chung. Không có một lộ trình thực hiện cũng như phạm vi điều chỉnh cụ thể nào được đặt ra về việc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ tại TQ. Các vấn đề xoay quanh việc cắt giảm rào cản đầu tư hay liệu một số ngành kinh doanh hiện cấm đầu tư nước ngoài có được cởi trói hay không là những điểm hoàn toàn vắng bóng trong bản tuyên bố.
Nếu đối chiếu giữa bản tuyên bố chung vừa qua với khung yêu sách mà phía Mỹ đề ra từ kỳ hội đàm đầu tiên, có thể thấy ngay TQ cho đến giờ vẫn bảo vệ thành công chương trình “Made in China 2025” cùng những nội dung liên quan. Trong khi đó, ngay cả ở những nội dung mà họ tỏ ra nhượng bộ vẫn thiếu vắng những cam kết cụ thể.
Dù sao cho đến giờ chưa bên nào giành được một lợi thế rõ ràng. Về cơ bản, số phận của ZTE và Huawei vẫn là quân bài quan trọng của phía Mỹ, dù họ có vẻ đang gặp rắc rối vì chia rẽ nhất định trong đội ngũ tham gia đàm phán. Ngược lại, phía TQ vẫn tỏ ra già rơ khi bảo vệ thành công các lợi ích quan trọng, chỉ đánh đổi bằng một số cam kết mơ hồ.
Chuyến thăm TQ từ tuần này (từ ngày 2 đến 4-6) của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hứa hẹn sẽ làm rõ hơn một số chi tiết trong bản tuyên bố chung sau hội đàm lần hai. Cho đến khi có các diễn biến mới, bất chấp các sức ép từ phía Mỹ, TQ hiện nay vẫn tỏ ra rất vững vàng trước viễn cảnh một cuộc chiến thương mại thực sự có thể diễn ra.
_________________________________
(*) Nguyễn Vũ Nhật Anh là biên tập viên cao cấp tạp chí NOVAsia, ĐH Yonsei (Hàn Quốc), nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS).
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/