Cục Chăn nuôi: Mục tiêu tổng đàn heo năm 2020 đạt 35 triệu con
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 (Khu vực phía Bắc), ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết mục tiêu trong Chiến lược đặt ra là phải tăng đàn heo bình quân 2%/năm.
Ngoài ra, tổng đàn đạt 35 triệu con vào năm 2020, trong đó tỉ trọng đàn heo ngoại nuôi trang trại, công nghiệp chiếm 37%.
Tuy nhiên, ông Dương cho hay kết quả thực tế trong 10 năm (giai đoạn 2008 - 2018), đàn heo chỉ có tốc độ tăng trưởng 0,5%/năm với tổng đàn duy trì ở mức 26 - 29 triệu con.
Mặc dù vậy, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến và đổi mới phương thức chăn nuôi, nên tỉ trọng giống heo ngoại chất lượng cao đã lên tới 90%, tỉ lệ thức ăn công nghiệp trên 75%, cải tiến chuồng trại, năng suất và khối lượng giết mổ heo thịt tăng.
Giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt heo tăng trưởng bình quân 3,3%/năm, tiệm cận với mục tiêu Chiến lược đặt ra, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Nhưng theo ông Dương, chăn nuôi heo vẫn còn bộc lộ một số bất cập trong thời gian qua như an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh còn yếu, năng suất chăn nuôi heo nái còn chưa cao, chuyển dịch sang phương thức chăn nuôi công nghiệp và trang trại còn chậm, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất chưa phát triển mạnh.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi rong giai đoạn 2008 – 2018, tổng đàn heo có sự biến động từ 26,7 triệu con lên đến 29,1 triệu con.
Trong giai đoạn này, tổng đàn heo xuống thấp nhất vào năm 2013 do giá heo hơi xuống thấp vì người tiêu dùng "quay lưng lại" với thịt heo do hiện tượng sử dụng chất cấm Clenbuterol, Sanbutamol trong chăn nuôi heo.
"Phải sau gần 2 năm, thị trường thịt heo mới khôi phục và qui mô đàn heo mới được phục hồi trở lại và tăng cao vào năm 2016", Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết.
Cũng theo ông Dương, nguyên nhân là do giá heo thịt trong nước tăng cao, có thời điểm lên tới trên 60.000 đồng/kg mà đặc biệt là do xuất khẩu heo thịt tiểu ngạch sang các nước xung quanh tăng mạnh đạt trên 600.000 tấn/năm.
Từ cuối 2016 và trong năm 2017, việc xuất khẩu tiểu ngạch không còn trong khi tổng đàn heo quá cao đã gây ra tình trạng khủng hoảng thừa thịt heo, dẫn đến giá heo thịt giảm mạnh (có thời điểm xuống dưới 20.000 đồng/kg) làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng.
Chính phủ đã phải ban hành các chính sách kích cầu, ưu đãi tín dụng mới khôi phục lại được qui mô đàn heo tăng trở lại vào năm 2018.
Diễn biến qui mô đàn heo trong nước giai đoạn 2008 - 2018. Nguồn: Cục Chăn nuôi
"Như vậy thực tế tăng trưởng về qui mô đàn heo giai đoạn 2008 - 2018 là thấp hơn khá nhiều so với định hướng của Chiến lược lí do chính là ảnh hưởng của dịch bệnh, sử dụng chất cấm và thị trường", ông Dương cho biết.
Đầu năm 2019, Việt Nam lại xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, đàn heo chết và nhiễm bệnh phải tiêu hủy trên 5 triệu con, giảm khoảng 20 % số đầu con và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Dịch tả heo châu Phi được dự báo sẽ làm cho qui mô đàn heo trong nước giảm thấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo cho tiêu dùng trong nước không chỉ trong năm 2019 mà có thể còn những năm tiếp theo.