|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuba: Vị đắng của đường

07:02 | 08/07/2017
Chia sẻ
Cuba, nằm trong số các nước sản xuất đường hàng đầu thế giới cho tới năm 1989, hiện đang chật vật khôi phục ngành công nghiệp này sau cuộc khủng hoảng tồi tệ bắt nguồn từ sự sụp đổ của Liên Xô.
cuba vi dang cua duong

Cuba đang nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp mía đường. Ảnh: Reuters

Theo bài viết trên trang tin tức Yahoo, phiên bản Mỹ Latinh, những máy móc từng là “gan ruột sắt thép” của nhà máy đường Cuba Libre giờ đang nằm im ngoài các bãi hoang. Với những người từng gắn bó nhiều năm với nhà máy này, quá trình phá hủy nhà máy như thể một vết thương lòng gặm nhấm họ một cách chậm chạp đau đớn.

Cả thập kỷ sau khi có lệnh chính thức dỡ bỏ nhà máy, người ta vẫn thấy một chiếc cần cẩu và vài tốp công nhân làm việc trên công trình giờ chỉ còn là các mảnh vụn của sắt thép và bê tông. Nhà máy từng nhả khói lên những cánh đồng mía xanh thẳm trải dài tại tỉnh Matanzas, miền Tây Cuba này đã ngừng nghiền mía làm đường từ năm 2004 và 3 năm sau, chính phủ quyết định dỡ bỏ nhà máy.

Eliécer Rodríguez, người phụ trách việc tháo dỡ nhà máy kể rằng đôi khi có những người vẫn khóc khi đi ngang qua nhà máy: “Tôi đã đánh sập nó, nhưng quyết định là của người khác”, ông nói như thể bào chữa cho chính mình.

Đây là 1 trong tổng số 100 nhà máy hay 64% số nhà máy đường trên toàn quốc mà Cuba buộc phải phá bỏ do thiếu mía nguyên liệu và trong một quá trình tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu từ năm 2002.

Không ai trong số gần 100.000 công nhân bị cắt lương, nhưng nhiều người đã phải chuyển sang các công việc lạ lẫm khác. Nhiều người trong số họ trở thành những lao động tự doanh như lái taxi hay nông dân tự do, tận dụng chính sách mở cửa mới của chính phủ, trong khi một số khác di cư sang Mỹ.

Giám đốc phụ trách quan hệ quốc tế của tổng công ty đường nhà nước Azcuba Rafael Suárez cho biết: “Đóng cửa một nhà máy đường luôn là vấn đề đau đầu xét về khía cạnh con người và xã hội; và cho tới nay chính phủ cách mạng vẫn luôn rất cẩn thận không để bất kỳ ai bị bỏ rơi”.

Ngày nay, chỉ có 54 nhà máy đường còn đang hoạt động, 60% diện tích đất trồng mía trước đây đã chuyển sang các cây trồng khác hoặc trở thành bãi chăn thả gia súc. Tỷ trọng của kim ngạch đường trong tổng giá trị xuất khẩu của Cuba rơi từ mức 73% những năm 1980 xuống còn 13% năm 2015 và chỉ còn tương đương 0,7% GDP.

cuba vi dang cua duong

Cuba cho tới năm 1989 vẫn nằm trong số các nước sản xuất đường hàng đầu trên thế giới. Ảnh: Reuters

Trước đây thu nhập của người công nhân ngành mía đường thường cao ít nhất gấp đôi mức lương trung bình của cả nước, còn giờ đây, mức thu nhập này rơi xuống mức bình quân 28 USD/tháng, chỉ hơn chút đỉnh so với mức lương tối thiểu theo quy định.

Quốc gia mà cho tới năm 1989 vẫn nằm trong số các nước sản xuất đường hàng đầu trên thế giới hiện đang nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp này sau cuộc khủng hoảng tồi tệ bắt nguồn từ sự sụp đổ của Liên Xô, nước bảo trợ từng mua gần như toàn bộ sản lượng đường của Cuba với giá ưu đãi.

Ngay khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Cuba còn phải đối diện tình trạng tụt dốc không phanh của giá đường trên thị trường quốc tế, cộng với khan hiếm đầu tư và vật tư nông nghiệp. Ngành mía đường Cuba gần như rơi vào tình trạng phá sản: từ mức 8 triệu tấn đường chưa tinh chế đạt được hồi đầu những năm 1990, sản lượng đường của Cuba tụt xuống mức thảm hại 1,1 triệu tấn năm 2010.

Ông Suárez hồi tưởng: “Đó là khi ngành mía đường chạm đáy, kể từ đó, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực, các nhà máy đường đã được cải thiện và nhiều dự án được triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp để khôi phục phần nào sản lượng mía”.

Hiện tại, ngay cả khi công tác thu hoạch – đã được cơ giới hóa cao độ - vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, sản lượng đường Cuba đã đạt ngưỡng 2 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 700.000 tấn tiêu thụ trong nước, phần còn lại được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và Nga.

Cuba, nước đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà trước đây từng từ chối, vẫn có khả năng sản xuất tới 4 triệu tấn đường/năm trong thập kỷ tới. Chiến lược của La Habana giờ đây không chỉ là sản xuất nhiều đường hơn mà còn phải tận dụng tối ưu hơn các phụ phẩm từ mía: rượu rum, thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học.