|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CPI Nhật Bản giảm 5 tháng liên tiếp

11:23 | 26/08/2016
Chia sẻ
CPI lõi tháng 7 của nước này giảm mạnh nhất hơn 3 năm, càng gây áp lực buộc ngân hàng trung ương mở rộng chương trình kích thích vốn đã rất khổng lồ hiện tại. 
tin nhap 20160826111828
Khách bộ hành trên một con phố ở Osaka, Nhật. Ảnh: Bloomberg

Theo số liệu Chính phủ Nhật Bản vừa công bố, CPI lõi (không tính thực phẩm tươi sống, nhưng lại cộng thêm các sản phẩm dầu mỏ) đã giảm 0,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này mạnh hơn dự báo của giới phân tích (0,4%) và cũng nhỉnh hơn mức giảm hồi tháng 6 (0,4%).

Dù giá nhiên liệu vẫn là nguyên nhân chính khiến CPI đi xuống, sức tăng giá thực phẩm nhập khẩu và phòng khách sạn cho thấy tiêu dùng vẫn còn yếu. Việc này khiến các công ty ngần ngại tăng giá.

Trên Reuters, Yoshiki Shinke – kinh tế trưởng tại Dai-ichi Life nhận xét: “Không chỉ năng lượng gây áp lực lên lạm phát. Mà xu hướng giá cả nhìn chung cũng vẫn yếu”.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã nỗ lực in tiền suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, chi tiêu hộ gia đình yếu và đồng yen tăng giá mạnh khiến giá hàng nhập khẩu giảm đã khiến lạm phát tại đây ngày càng xa vời mục tiêu 2%. Phần lớn nhà kinh tế học kỳ vọng BOJ tăng nới lỏng tháng tới, trong cuộc họp đánh giá lại tác động của chương trình kích thích hiện tại.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới gần như không tăng trưởng trong quý II. Giới phân tích dự báo quý này, tốc độ tăng GDP cũng khiêm tốn, do tình hình toàn cầu nhìn chung yếu và đồng yen năm nay đã tăng giá 20% so với USD. Việc này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu và chi tiêu vốn của các công ty.

CPI Nhật Bản được dự báo tăng đầu năm tới, do áp lực từ giá năng lượng sẽ giảm dần. Dù vậy, tiêu dùng yếu và nội tệ mạnh vẫn có khả năng tác động tiêu cực lên chỉ số này.
Cũng từ lần công bố này, Chính phủ Nhật Bản sẽ có nhiều thay đổi với cách tính CPI. Theo đó, họ sẽ chọn năm cơ sở là 2015, thay vì 2010 như trước đây. Thành phần tính CPI cũng thay đổi để phản ánh tốt hơn xu hướng tiêu dùng.

Thu Thảo

Theo Reuters, Bloomberg