|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Coolmate xin lỗi khách hàng vì website bị sập giữa lúc livestream

18:58 | 22/03/2022
Chia sẻ
Coolmate, startup yêu thích của Shark Bình mới đây đã đưa ra lời xin lỗi sau sự cố khiến hàng nghìn khách hàng không thể tiếp tục xem hàng trên hệ thống của thương hiệu này.
Không giống Shopee, một startup ngay lập tức xin lỗi khách hàng khi web bị sập, không thể tiếp tục livestream - Ảnh 1.

Startup Coolmate lên tiếng xin lỗi khách hàng vì trải nghiệm không tốt. (Ảnh: Coolmate).

Ngày 22/3, startup Coolmate đã có lời xin lỗi gửi tới khách hàng về sự cố xảy ra vào tối ngày 21/3. Cụ thể, theo startup thông tin, lúc 11h30 tối, thương hiệu này đã có buổi phát livestream với gần 1.000 người xem cùng 4.000 lượt truy cập trên trang web, song do gặp sự cố nên website đã bị sập. Điều này khiến nhiều khách không thể vào xem hàng và check out.

"Tóm lại là một trải nghiệm đáng thất vọng. Để một hệ thống không suôn sẻ trong một thời điểm quan trọng mà khách hàng đang chờ đợi mình như vậy là lỗi rất lớn của Coolmate, và Coolmate thật sự xin lỗi các bạn vì trải nghiệm không vui này", đội ngũ Coolmate nhận lỗi khi để xảy ra trải nghiệm không tốt dành cho khách hàng.

Cũng trong tối 21/3, đội ngũ công nghệ của Coolmate đã cố gắng khắc phục sự cố. Coolmate đảm bảo không còn xuất hiện tình trạng không vào được web được trong thời điểm diễn ra sinh nhật startup; các đơn hàng từ 12h30 đã được ghi nhận bình thường và đảm bảo tất cả đơn hàng được xử lý giao đến khách hàng với thời gian như cam kết.

Động thái này của Coolmate đã nhận được nhiều phản ứng của người dùng. Bài đăng trên trang Facebook chính thức của startup nhận được hơn 2.800 lượt tương tác và hơn 300 bình luận. Nhiều ý kiến cho rằng startup cần phải nâng cấp hệ thống công nghệ, cải thiện tình trạng này nếu muốn tiến xa.

Trước đó, vào tháng 11/2021, CEO Phạm Chí Nhu từng chia sẻ về cột mốc triệu lượt truy cập web của Coolmate: "Tháng 11 với những cột mốc đáng nhớ và kỷ lục của Coolmate! Đây cũng là tháng đầu tiên mà Website Coolmate gần cán mốc triệu traffic tháng, và doanh số tháng triệu USD".

Cách đây vài tuần, Coolmate đã tiếp tục huy động được 1,1 triệu USD từ 2 nhà đầu tư cũ là STIC Ventures và VIC Partners. Vòng rót vốn này diễn ra sau khi doanh số công ty tăng trưởng hơn 3,5 lần từ 39 tỷ (năm 2020) lên 139 tỷ đồng trong năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Số tiền huy động lần này công ty sẽ chi phục vụ nhu cầu tăng trưởng trong năm 2022. Tương ứng, doanh thu kế hoạch năm nay sẽ tăng lên 440 tỷ đồng – gấp hơn 3 lần năm ngoái. 

Trong đó, Coolmate dự chi đầu tư vào nghiên cứu và mở rộng danh mục sản phẩm với những chất liệu mới để mang lại sự thoải mái khi sử dụng cho khách hàng; đầu tư nâng cấp hệ thống vận hành để có thể đáp ứng việc giao nhận đóng gói ở quy mô lớn và đầu tư vào việc nâng cao năng lực đội ngũ để đáp ứng việc phát triển nhanh chóng của Công ty.

Coolmate cũng cho biết sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn để thực hiện mục tiêu doanh số năm 2022, tiến tới IPO vào năm 2025. Thành lập từ năm 2019, Coolmate trở nên nổi tiếng sau khi mở màn Shark Tank mùa 4 với quả chốt deal "nhanh như gió" của Shark Bình, quẹt thẻ đặt cọc ngay trong tập đầu tiên phát sóng của SharkTank mùa 4. 

Tập đoàn Nexttech cũng đã nhanh chóng hoàn tất thương vụ đầu tư 500.000 USD vào Coolmate.me vào  tháng 7/2021, chỉ sau 2 tháng thẩm định (Due Diligence) và đàm phán các điều khoản đầu tư.

Trong sáng ngày 22/3, Shopee cũng ghi nhận tình trạng lỗi khiến cả người bán lẫn người mua đều không thể truy cập được hoặc có đăng nhập vào thì cũng bị văng ra ngoài. Hiện tại, hệ thống của Shopee đã hoạt động trở lại bình thường nhưng sàn TMĐT này vẫn chưa lên tiếng về sự cố ngày hôm nay. 

Việc Shopee bị lỗi rất hiếm gặp mặc dù sàn TMĐT này từ lâu vẫn duy trì lượng truy cập khủng tại Việt Nam. Theo báo cáo của iPrice, trong quý IV/2021, Shopee dẫn đầu lượt truy cập tại thị trường Việt Nam, với gần 89 triệu lượt/tháng. Đứng sau lần lượt là Lazada VN và Tiki với 20 và 17 triệu lượt truy cập/tháng.

Doanh Chính

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.