Công ty mẹ VNPAY sắp gia nhập thị trường viễn thông, sẵn sàng 'chiến' với Viettel, VNPT và MobiFone?
Thông tin từ tờ Nikkei, kỳ lân fintech VNPAY mới đây đã được cấp phép hoạt động như một nhà mạng viễn thông không sở hữu hạ tầng riêng. Tờ báo Nhật Bản nhận định các nhân tố mới như VNPAY sẽ kích hoạt một cuộc chiến về giá ở thị trường mạng di động Việt Nam vốn trước đó nằm trọn vẹn trong tay ba ông lớn.
Cụ thể, Nikkei thông tin rằng VNPAY, với tên gọi chính thức là CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam, đã được cấp phép cung cấp mạng viễn thông di động ảo. Đây là công ty thứ 4 tại Việt Nam được cấp phép thực hiện dịch vụ này.
Mạng viễn thông di động ảo sử dụng hạ tầng mạng viễn thông của các công ty khác, một cách tiếp cận có thể giúp họ ra mắt các gói cước với chi phí thấp hơn so với việc tự đầu tư hạ tầng thu phát sóng của riêng mình.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE Việt Nam mới là đơn vị được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong đó, DIGILIFE Việt Nam được phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) trên phạm vi toàn quốc.
Công tyDIGILIFE Việt Nam được thành lập từ ngày 23/5/2019 với ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thương mại điện tử, phát triển công nghệ thông tin, đại lý dịch vụ viễn thông và ủy thác mua bán hàng.
Vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật gồm ông Mai Thanh Bình (Tổng giám đốc) và ông Lê Tánh (Chủ tịch). Chủ sở hữuDIGILIFE Việt Nam là CTCP Tập đoàn Cuộc sống Việt (VNLIFE).
Trong đó, VNPAY là một trong các nền tảng nằm trong hệ sinh thái của VNLIFE, gồm: VNPAY, VNPAY-QR, Đi Chung, Phong Vũ, Sapo, iCheck,... Ông Lê Tánh cũng đồng thời là cổ đông sáng lập VNPAY, với số vốn góp 7,5 tỷ đồng, chiếm 5% tổng số cổ phần sở hữu.
Như vậy, có thể thấy công ty mẹ VNPAY mới là đơn vị muốn dấn bước vào lĩnh vực kinh doanh mạng di động ảo. Bên cạnh đó, công ty công nghệ thông tin FPT cũng đang lên kế hoạch trở thành một nhà mạng viễn thông di động ảo.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam phần lớn nằm trong tay của 3 “ông lớn” Viettel, VNPT và MobiFone. Indochina Telecom, nhà mạng viễn thông di động ảo đầu tiên của Việt Nam vào năm 2019, có khoảng gần 3 triệu thuê bao tính đến thời điểm tháng 12/2021. Năm ngoái, “ông lớn” bán lẻ Masan cũng đầu tư vào thị trường viễn thông di động với thương hiệu Reddi.