|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc bắt tay Việt Nam phát triển dự án AI, báo hiệu làn sóng đầu tư tiếp theo

21:32 | 07/04/2021
Chia sẻ
Việt Nam vừa bắt tay cùng Naver - công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc phát triển một dự án mới, qua đó tiến gần hơn đến tham vọng biến nước ta thành trung tâm toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) vào đầu thập kỷ tới.

Theo đưa tin từ Nikkei Asia, Naver Group đã hợp tác cùng Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) triển khai trung tâm nghiên cứu AI đầu tiên của Việt Nam.

Cơ sở này đặt tại Hà Nội, dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam và giúp nước ta đi đầu trong cuộc đua nghiên cứu cũng như phát triển AI (R&D) của thế giới vào năm 2030.

Cuối tháng 1 năm nay, ông Nguyễn Xuân Phúc - nguyên Thủ tướng Chính phủ và hiện là Chủ tịch nước, đã ký thông qua một chiến lược AI. Trong đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng 10 trung tâm nghiên cứu AI tại thủ đô cũng như ba trung tâm quốc gia về điện toán hiệu suất cao và lưu trữ Dữ liệu Lớn (Big Data).

Naver bắt tay Việt Nam phát triển dự án AI, báo hiệu làn sóng đầu tư tiếp theo từ Hàn Quốc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Naver).

Đối với Naver, thỏa thuận hợp tác với HUST là một phần quan trọng trong mạng lưới R&D về AI của ông lớn công nghệ Hàn Quốc. Năm 2019, Naver đã khởi động Sáng kiến Vành đai R&D AI Toàn cầu nhằm kết nối kỹ sư phần mềm với các cơ sở nghiên cứu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Tháng 8 năm ngoái, Naver chính thức ký kết quan hệ hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trên các lĩnh vực đầu tư, phát triển và đạo tạo AI ở nước ta.

"Trung tâm R&D mới ở Hà Nội được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những cơ sở quan trọng của ngành AI tại Việt Nam, giúp đóng góp cho sự phát triển của đất nước", ông Hồ Tú Bảo - Giám đốc trung tâm mới, chia sẻ với Nikkei.

Ông Bảo đang là giáo sư danh dự tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên Tiến Nhật Bản và từng tư vấn chiến lược AI cho chính phủ Việt Nam. "Naver sẽ tạo đà cho trung tâm AI mới đi vào guồng. Các giáo sư và kỹ sư trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu cũng sẽ tham gia giúp sức", ông Bảo nói thêm.

Thương vụ của Naver với HUST còn báo hiệu làn sóng đầu tư tiếp theo của các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam, lần này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực AI. Đợt rót vốn đầu tiên do Samsung Electronics dẫn dắt đã biến nước ta thành một cơ sở lắp ráp điện thoại thông minh quan trọng.

Hiện tại, Samsung đang vận hành hai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh khổng lồ tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Hai cơ sở này chịu trách nhiệm lắp ráp một nửa sản lượng điện thoại mà Samsung tung ra thị trường toàn cầu mỗi năm. Theo Bộ Công Thương, ông lớn công nghệ Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng hơn 17,3 tỷ USD vào Việt Nam.

Đáng chú ý, nhờ vào sức hấp dẫn của chiến lược AI do chính phủ đề ra mà số lượng dự án công nghệ có sự tham gia của các công ty nước ngoài ngày càng tăng. Trước đó, FPT Group đã ký một biên bản ghi nhớ với tập đoàn Hancom của Hàn Quốc để hợp tác phát triển AI.

Năm ngoái, dự án VinAI Research của tập đoàn Vingroup thông báo đã triển khai một trong những hệ thống AI tiên tiến nhất thế giới, Nvidia DGX A100. Vingroup dự kiến sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với hãng chip Nvidia của Mỹ trong các dự án AI mới.

Chiến lược AI là một trọng tâm trong các mục tiêu kinh tế năm 2030 của Việt Nam. Chính phủ hy vọng có thể xây dựng các thương hiệu hoặc dịch vụ AI uy tín vào năm 2030.

Khả Nhân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.