|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty dạy làm giàu lỗ ba quý liên tiếp

14:28 | 25/07/2024
Chia sẻ
CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (VLA) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm. Theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (VLA) lỗ sau thuế 5,3 tỷ đồng.

CTCP tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (mã: VLA), nổi tiếng với các khóa học đầu tư và làm giàu, vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với khoản lỗ 5,3 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ ba liên tiếp của doanh nghiệp này kể từ cuối quý cuối năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái Văn Lang lãi 53 triệu đồng. 

Doanh thu quý II chỉ đạt hơn 1,36 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 5,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Việc giá vốn cao hơn cả doanh thu, khiến Văn Lang lỗ gộp gần 45 triệu đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, công ty lỗ sau thuế gần 6,9 tỷ đồng. Tiền mặt của Văn Lang cũng sụt giảm đáng kể, từ hơn 20 tỷ đồng đầu năm xuống còn hơn 6 tỷ đồng cuối tháng 6/2024.

Lãnh đạo Văn Lang giải thích kết quả kinh doanh kém khả quan là do "kinh tế khó khăn", dẫn đến số lượng học viên tham gia các khóa học giảm "đáng kể" trong quý II.

 Ông Nguyễn Thành Tiến. (Ảnh: NIK).

Văn Lang được biết đến với các khóa học về đầu tư và phát triển bản thân. Chủ tịch HĐQT công ty là ông Nguyễn Thành Tiến, một diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư với hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Ông Tiến tự giới thiệu là "chuyên gia bất động sản được trả phí cao số 1 Việt Nam" và tuyên bố đã đào tạo hơn 200.000 học viên từ năm 2012. Các khóa học do ông giảng dạy có giá từ miễn phí đến 180 triệu đồng cho một khóa 4 ngày.

Tuy nhiên, chính Văn Lang lại không mấy thành công trong hoạt động đầu tư của mình. Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy công ty đầu tư vào cổ phiếu CEO và DIG với tổng giá trị 11,824 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, giá trị đầu tư này chỉ còn hơn 5 triệu đồng, ghi nhận khoản lỗ hơn 4 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, năm 2022 Văn Lang mua một khách sạn tại Quảng Ninh trị giá 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu và khai thác kinh doanh, công ty đã phải thanh lý hợp đồng này.

Câu chuyện của Văn Lang bắt đầu từ năm 2007, ban đầu là đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Năm 2011, công ty niêm yết trên sàn HNX. Trong giai đoạn 2010-2019, Văn Lang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất bản sách, in ấn và phát hành.

Bước ngoặt đến vào năm 2020 khi ông Nguyễn Thành Tiến trở thành Chủ tịch HĐQT. Công ty chuyển hướng sang lĩnh vực đào tạo kỹ năng đầu tư và kinh doanh. Năm 2021 ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất với lợi nhuận 5,7 tỷ đồng. Năm 2022, dù doanh thu tăng vọt lên 32,4 tỷ đồng, lợi nhuận lại giảm 56% so với năm trước.

Trước tình hình kinh doanh khó khăn, Văn Lang đặt kế hoạch mở rộng các khóa học và tăng cường quảng bá thương hiệu. Công ty cũng dự định đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản và dịch vụ khách sạn. Tuy nhiên, với ba quý liên tiếp thua lỗ và tình hình tài chính hiện tại, Văn Lang đang đối mặt với nhiều thách thức.

Thành Vũ

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.