Công ty chứng khoán nỗ lực gọi vốn ngoại vào Việt Nam
Mở rộng kết nối
Mới đây, Tập đoàn Maybank Kim Eng thực hiện ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Chứng khoán Mizuho (Nhật Bản) nhằm mở rộng thị trường môi giới chứng khoán tại khu vực châu Á. Theo thỏa thuận hợp tác này, Tập đoàn Chứng khoán Mizuho sẽ cung cấp các báo cáo nghiên cứu, phân tích cũng như các dịch vụ khác liên quan đến doanh nghiệp niêm yết của Maybank Kim Eng cho các định chế tài chính là khách hàng của Mizuho tại Nhật Bản. Phía Maybank Kim Eng sẽ cung cấp dịch vụ và thực hiện giao dịch chứng khoán cho khách hàng của Mizuho khi họ giao dịch tại thị trường ASEAN.
Đại diện Maybank KingEng cho biết, sự hợp tác với Mizuho sẽ mở ra cơ hội cho Maybank Kim Eng Việt Nam khi Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược của Việt Nam trong nhiều thập niên và các nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang tiếp tục bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chiến lược mở rộng phát triển mảng môi giới nước ngoài từ lâu đã được CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK TP. HCM (HSC) và CTCK Bản Việt (VCSC) đẩy mạnh và đây cũng là những nhà môi giới có thị phần lớn nhất trên thị trường. Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng từng cho biết, tại Hội thảo của Credit Suisse, Hồng Kông hồi tháng 5 năm nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến TTCK Việt Nam và sứ mệnh của các CTCK, trong đó có SSI là làm sao kết nối nguồn vốn ngoại vào thị trường trong nước.
Trong khi đó, VCSC cũng cho biết, thị phần môi giới khách hàng nước ngoài của Công ty đã tăng mạnh, từ 20% trong quý IV năm ngoái lên 34% trong quý I, II/2016.
Với đặc thù nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là các tổ chức thì việc chiếm thị phần môi giới lớn đối với nhóm khách hàng này có ý nghĩa rất lớn với các công ty chứng khoán, không chỉ ở mảng dịch vụ môi giới.
Không chỉ các CTCK lớn mà các CTCK nhỏ cũng đang nỗ lực tìm hướng mở rộng kết nối nhà đầu tư trong khu vực đến với TTCK Việt Nam.
Đối với CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS), sau khi thực hiện ký kết đối với một số đối tác đến từ Trung Quốc, Công ty cũng đã lên kế hoạch thành lập văn phòng giao dịch tại Trung Quốc, nhằm đầy mạnh kết nối dòng vốn đầu tư gián tiếp từ thị trường này vào trong nước.
Kỳ vọng hút mạnh vốn ngoại
Theo đánh giá của Maybank KimEng, Nhật Bản là một thị trường rất tiềm năng. Các nhà đầu tư Nhật Bản luôn tiên phong trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam trong các lĩnh vực từ ngân hàng đến các ngành công nghiệp nặng và chế biến lương thực, thực phẩm. Tính đến cuối tháng 7/2016, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký đầu tư 40,2 tỷ USD tại 3.154 dự án quan trọng, chiếm 13,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán cũng gia tăng mạnh trong thời gian qua, tài khoản của nhà đầu tư Nhật Bản được báo cáo chiếm 40% tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở tại Việt Nam tính đến giữa năm 2015. Tuy nhiên, giá trị đầu tư gián tiếp từ thị trường này được đánh giá chưa xứng với tiềm năng, do giới hạn về tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước và việc thiếu thông tin về doanh nghiệp.
Đánh giá được đưa ra từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, việc các tổ chức nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp và thị trường Việt Nam đang là một tín hiệu tốt. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015 về nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp hàng đầu như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thực hiện nâng room cho khối ngoại kỳ vọng sẽ khơi thông dòng chảy vốn vào thị trường Việt Nam, giúp mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ sớm đạt được.