Công ty chứng khoán đồng loạt bơm tiền rẻ kích thích thị trường giai đoạn ảm đạm
Thị trường biến động, thanh khoản giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm
Sau tháng khởi sắc đầu năm, chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong tháng 2 và diễn biến lình xình từ đầu tháng 3. Cơ hội khan hiếm khi VN-Index "lình xình" trong biên độ 1.000 - 1.100 điểm. Thanh khoản thị trường giảm về gần với thời điểm thị trường bắt đầu bùng nổ trước dịch COVID-19.
"Tiền đã đi đâu hết, vì sao dòng tiền èo uột?", nhà đầu tư thường trực với câu hỏi này. Ngưỡng 10.000 tỷ đồng/phiên từng là chốt chặn để nhà đầu tư theo dõi dòng tiền, nhưng thanh khoản những ngày trong tháng 3 thường xuyên thấp hơn mốc này. Đây là xu hướng tiếp diễn của nhiều tháng trước đó.
Thống kê cho thấy, thanh khoản trung bình trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây, đạt 10.122 tỷ đồng. Thị trường cạn tiền, nhóm cổ phiếu có đủ lực để dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản không có gì nổi bật, nhóm cổ phiếu VN30 phân hóa mạnh.
Hệ quả tất yếu khi thị trường lình xình, nhóm dẫn dắt không rõ ràng, nhà đầu tư cũng thận trọng hơn trong giao dịch. Khi lượng "tiền thịt" chưa được sử dụng hết, margin là một phương án xa lạ trong bối cảnh này.
Một nhân viên môi giới chia sẻ, khách hàng thường giao dịch với một tỷ trọng thấp, tỷ trọng cổ phiếu thường thấp hơn 50% giá trị danh mục đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng thường đưa ra khuyến nghị thận trọng, tỷ trọng cổ phiếu dưới 30% danh mục, hạn chế giải ngân mua mới với nhà đầu tư ngắn hạn, hay đứng ngoài quan sát.
Loạt công ty chứng khoán ưu đãi lãi suất vay margin, miễn phí giao dịch
Thanh khoản thị trường cạn kiệt, nhưng thanh khoản tại các công ty chứng khoán lại đang dư thừa. Quan sát trong quý cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các công ty chứng khoán cơ cấu lại hoạt động theo hướng giảm thiểu rủi ro bằng cách thu hẹp giá trị cho vay ký quỹ các cá nhân tổ chức lớn.
Tháng 11 và 12 năm ngoái, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp từng bị bán giải chấp trong nhiều phiên liên tiếp, đặc biệt là nhóm bất động. Một số công ty chứng khoán bán ra danh mục trái phiếu khi thị trường này liên tiếp gặp yếu tố bất lợi. Lượng tiền lớn thu về, nhiều công ty chứng khoán chuyển sang tài sản tính lỏng cao đó là chứng chỉ tiền gửi.
Với thanh khoản dồi dào, để kích thích thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay margin thấp.
Cụ thể, Chứng khoán Shinhan (SSV) đang thực hiện chương trình miễn phí giao dịch và lãi suất vay margin 8,8% với hạn mức cho vay ký quỹ 500 triệu đồng cho mỗi tài khoản. Chương trình triển khai trong thời gian 1/3 - 31/5 hoặc đến khi hết hạn mức của chương trình.
Giữa tháng 3, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cũng cho ra chương trình cho vay ký quỹ đầu tư chứng khoán với lãi suất từ 9% và tổng giá trị 5.000 tỷ đồng. Thời gian diễn ra chương trình 15/3 – 15/9 hoặc kết thúc trước hạn khi sử dụng hết nguồn vốn.
Một công ty chứng khoán trong nhóm cho vay margin mạnh tay khác trên thị trường là Mirae Asset cho ra mắt chương trình lãi suất vay 9,9% với hạn mức dư nợ tối đa 5 tỷ đồng mỗi tài khoản, nguồn vốn cho chương trình là không giới hạn. Thời gian áp dụng từ 15/3 - 15/6.
Từ ngày 20/3, Chứng khoán VietinBank (Mã: CTS) cũng triển khai chương tình ưu đãi lãi suất cho vay margin với mức phí từ 11,5%, thời gian áp dụng đến ngày 31/6.
Như vậy, mức lãi suất cho vay margin theo chương trình của các công ty chứng khoán hiện đang thấp hơn khoảng 4 - 5% trong giai đoạn trước đó. Ở một số thời điểm, các công ty chứng khoán từng đẩy mức lãi cho vay theo năm lên 15%.
Mặc dù tung ra chương trình với lãi suất thấp như hiện nay, nhưng qua trao đổi với một lãnh đạo công ty chứng khoán lớn, quan điểm cho vay vẫn rất thận trọng, các khoản vay được chia nhỏ, khống chế hạn mức theo tài khoản để hạn chế rủi ro. Mặt khác, mức giá chặn, tức ngưỡng cho vay tối đa với một cổ phiếu là không cao.