|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PV OIL nói gì về việc hơn 200 triệu cổ phiếu OIL sắp vào diện cảnh báo?

20:19 | 22/03/2023
Chia sẻ
PV OIL đã giải trình về các yếu tố ngoại trừ mà phía công ty kiểm toán Deloitte đưa ra đối với báo cáo tài chính năm 2022.

Ảnh minh họa: Minh Hằng.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL - Mã: OIL) vừa phát ra thông cáo báo chí trả lời về việc  Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định đưa hơn 201,4 triệu cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo từ ngày 23/3 do báo cáo tài chính năm 2022 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ ba năm liên tiếp trở lên.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất của PVOIL năm 2022, Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte có 3 ý kiến ngoại trừ như sau:


Thứ nhất, khoản đầu tư của PV OIL vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB - công ty liên kết của PV OIL), là chủ đầu tư Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ với giá trị hơn 272 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Khoản đầu tư này phát sinh từ trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa PV OIL (ngày 31/12/2015).

Hiện nay, dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ đã dừng thi công và PVB đang được xem xét phương án phá sản theo quy định pháp luật. Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ các thông tin về những thay đổi phần vốn góp của PV OIL vào tài sản thuần của PVB từ ngày đầu tư đến ngày 31/12/2022 nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên BCTC hợp nhất của PVOIL hay không.

Thứ hai, khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số tiền là 169,79 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Đây là khoản lỗ tại Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC - công ty con của PV OIL) trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp (ngày 30/6/2010) đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 18/05/2011), đang chờ các cấp thẩm quyền (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Bộ Tài chính) phê duyệt quyết toán, xác định cụ thể giá trị phần vốn nhà nước tại Tổng công ty PETEC ở thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản phải thu nói trên nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên BCTC hợp nhất của PV OIL hay không.

Thứ ba, giá trị của các lô đất của CTCP Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn - công ty con của PV OIL): Đây là 06 lô đất do PV OIL Sài Gòn đầu tư để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu với tổng số tiền là 29,70 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 nhưng chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng sang tên PV OIL Sài Gòn hoặc chưa được gia hạn thời gian thuê đất.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về quyền sử dụng đất và thời gian thuê đất nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên BCTC hợp nhất của PV OIL hay không.

"Thực tế, các Điểm kiểm toán ngoại trừ nêu trên là những vấn đề xảy ra từ trước khi PVOIL cổ phần hóa. Vì vậy, các vấn đề này đã tồn tại trên BCTC của PVOIL ngay từ khi mới chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần", thông cáo báo chí của PV OIL viết.

PV OIL cho biết, trong thời gian qua, công ty đã có nhiều nỗ lực để giải quyết, xử lý các điểm tồn đọng nêu trên, tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách của nhà nước nên các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Về điểm ngoại trừ số 1, khoản đầu tư tại CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB) đã phát sinh từ trước khi cổ phần hóa PV OIL. Việc thi công xây dựng Dự án Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành và đã dừng thi công từ năm 2013. Dự án này chưa được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và công trình xây dựng chưa được nghiệm thu, quyết toán nên chưa ghi nhận tăng tài sản liên quan Dự án trên sổ sách kế toán của PVB. Do đó, PVB chưa ghi nhận lỗ phát sinh từ dự án này.

Theo quy định của chuẩn mực kế toán và các quy định hướng dẫn về trích lập dự phòng đầu tư tài chính hiện hành, khoản đầu tư vốn vào PVB chưa đủ cơ sở để PV OIL trích lập dự phòng đầu tư tài chính.

Trong quá trình lập hồ sơ quyết toán cổ phần hóa, PV OIL đã có văn bản trình các cơ quan quản lý đề xuất được xác định lại khoản đầu tư này về mức 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa (được hiểu là loại khoản đầu tư này ra khỏi công ty cổ phần); đồng thời, trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu có phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản tại PVB, PV OIL sẽ nộp toàn bộ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, PV OIL vẫn chưa nhận được hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Về điểm ngoại trừ số 2, theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khoản lỗ tại Petec trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (ngày 30/6/2010) đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 18/05/2011) sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt khi quyết toán cổ phần hóa.

Về phía trách nhiệm của PV OIL/Petec, doanh nghiệp đã trình hồ sơ quyết toán cổ phần hóa cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Đồng thời, PV OIL/Petec cũng thường xuyên theo dõi sát sao, sẵn sàng giải trình bổ sung thông tin, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ quyết toán cổ phần hóa của Petec vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.

Về điểm ngoại trừ số 3, thực tế, giá trị các lô đất bị kiểm toán ngoại trừ trên BCTC đã giảm từ 60,1 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2018 xuống còn 29,7 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục, các cơ quan quản lý địa phương chậm giải quyết nên vẫn còn một số lô đất của PV OIL Sài Gòn chưa hoàn thiện thủ tục.

Hiện tại, 201,4 triệu cổ phiếu PV OIL đang giao dịch trên sàn UPCoM và tạm dừng ở 8.700 đồng/cp chốt phiên 22/3. Công ty đang có kế hoạch đưa cổ phiếu OIL lên niêm yết tại sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) để tăng tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu.

"PV OIL cam kết trong thời gian tới sẽ nỗ lực hơn nữa để khắc phục tình trạng cảnh báo nêu trên, góp phần đáp ứng các điều kiện chuyển cổ phiếu OIL sang niêm yết trên sàn chứng khoán", phía PV OIL khẳng định.

 Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của PV OIL.

Minh Hằng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.