Công nhận TP Long Xuyên là đô thị loại I
Thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật của tỉnh An Giang, có vị trí chiến lược, là điểm giao thoa giữa 2 khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên. Thành phố đồng thời nằm trong trung tâm của vùng tam giác phát triển TP HCM - Cần Thơ - Phnompenh (Campuchia).
Thành phố được công nhận là đô thị loại II theo Quyết định số 747/QĐ-TTg ngày 14/4/2009. Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Các công trình phục vụ công cộng và cơ sở kĩ thuật hạ tầng đô thị được đầu tư, xây dựng đồng bộ, ngày càng hoàn thiện trên nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án trọng điểm được triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thu hút các tập đoàn lớn như T&T, FLC, TMS...
Theo Điều chỉnh qui hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Long Xuyên được xác định là 1 trong 6 đô thị loại I của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu; là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh An Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Với thế mạnh thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, thành phố Long Xuyên hiện là đô thị có tỉ trọng thương mại dịch vụ (chiếm 81,5% trong cơ cấu kinh tế), cao nhất trong hệ thống 12 đô thị tỉnh lị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch tại địa phương cũng phát triển, Long Xuyên có khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, khu du lịch Cồn Phó Ba, khu du lịch Cù lao ông Hổ và nhiều di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch sinh thái.
Năm 2019, thành phố đón hơn 9,2 triệu lượt khách du lịch lưu trú ở địa phương. Ngoài ra, Long Xuyên còn có hệ thống trung tâm chuyên ngành về giáo dục, đào tạo và y tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.