|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Công nghiệp giải trí bủa vây người tiêu dùng

20:38 | 05/03/2017
Chia sẻ
Ngành giải trí đang có một cuộc chiến căng thẳng, chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt nhằm giành lấy sự chú ý và thời gian của người tiêu dùng.
Tất cả những gì mà các ông lớn trong ngành công nghệ đang thực thi sẽ tác động không nhỏ đến toàn bộ thị trường giải trí trên toàn thế giới.

Nổi tiếng – miếng mồi cho các công ty

Hai kẻ đã làm mưa làm gió trong ngành nội dung giải trí trong vài tháng cuối cùng của năm 2016 chính là các gã khổng lồ Walt Disney và Ryan – một cậu bé chỉ 5 tuổi. Những bộ phim bom tấn của Disney từng đứng đầu phòng vé Mỹ 9/10 tuần cuối cùng của năm. Kênh YouTube của Ryan, đăng các video do cha mẹ cậu bé quay lại hình ảnh mỗi ngày của cậu ta tại nhà họ ở bang California, đã trở thành trang web được xem nhiều nhất tại Mỹ trong 20 tuần cuối cùng của năm 2016. Hầu hết các khán giả của Ryan là những đứa trẻ cùng độ tuổi, luôn hào hứng xem nhân vật trên YouTube mở từng thùng đồ và nghịch ngợm với những món đồ chơi của mình.

Internet đã khiến cho ai cũng có khả năng trúng “giải độc đắc” và trở thành ngôi sao chỉ sau 1 đêm. Cái họ cần chỉ là một chiếc smartphone để quay rồi đưa hình ảnh, nội dung video lên internet. Điều này là có thể trở thành hiện thực đối với một số ít trường hợp như trường hợp của Ryan và cha mẹ cậu bé đã kiếm được hàng triệu USD từ các hoạt động quảng cáo trên kênh YouTube trong vài năm. Nhưng vấn đề thực sự của ngành giải trí là phải sở hữu được một nền tảng kỹ thuật số, thu hút được người tiêu dùng như nền tảng đã đưa Ryan trở thành một ngôi sao.

Internet đã khiến cho ai cũng có khả năng trúng “giải độc đắc” và trở thành ngôi sao chỉ sau 1 đêm.

Đó là lý do vì sao thương vụ Google mua lại YouTube này vào năm 2006 với giá 1,65 tỷ USD hay thương vụ Facebook thâu tóm Instagram cách đây 5 năm với giá 1 tỷ USD giờ lại trở thành niềm cảm hứng đối với nhiều công ty. Ý tưởng đằng sau thương vụ thâu tóm WhatsApp của Facebook với giá 22 tỷ USD cách đây 3 năm cũng là để nắm bắt và hướng mọi sự chú ý của người sử dụng về phía mình khi hầu hết ai cũng ít nhất vài chục lần xem điện thoại và nhắn tin trong một ngày. Khi video được tích hợp tốt hơn vào các ứng dụng nhắn tin, thương vụ mua lại nói trên sẽ càng được xem là động thái sáng suốt. Nhiều người trong ngành giải trí đang chờ xem liệu Disney, công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu về nội dung có mua lại một nhà phân phối nội dung khác không.

Dưới thời của CEO Bob Iger, chiến lược của Disney là mua lại những tài sản trí tuệ tốt nhất trong ngành giải trí như: Lucasfim và Star Wars; Marvel Entertainment và Pixar Animation Studios. Dưới sự dẫn dắt của Disney, các thương hiệu này đều trở nên có giá trị cao hơn và thậm chí còn nổi tiếng hơn trên toàn cầu. Vì thế, Disney đã thu hút được sự chú ý rất lớn. Nhưng mọi người đang ngày càng ít xem truyền hình truyền thống hơn và xem nhiều video trên các kênh khác, thậm chí các nhà sản xuất nội dung có tiếng tăm cũng đứng trước rủi ro mất khán giả, vì thế việc sở hữu một nền tảng có thể chuyển tải nội dung đến đúng đối tượng với khối lượng lớn người sử dụng dường như là cách tiếp cận đúng đắn.

Một số thông tin gần đây cho rằng, Disney có thể mua Netflix, kẻ dẫn đầu thế giới về streaming nội dung giải trí cao cấp (trong đó có cả những bộ phim Disney). Trong một cuộc phỏng vấn với The Economist, Bob Iger vẽ ra một tương lai mà nơi đó từng thương hiệu nổi tiếng của Disney có thể trở thành một dịch vụ giải trí của riêng mình, chúng có thể là kênh “Star Wars” phiên bản internet, một kênh Marvel riêng… Ông nói ESPN có thể trở thành Neflix của ngành thể thao.

Năm 2017 Netflix sẽ dành ra ít nhất 7 tỷ USD để đầu tư vào nội dung với mục tiêu trở thành một mạng truyền hình toàn cầu.

“Quái vật” 2 càng

Ngành giải trí là một cuộc chiến căng thẳng chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt nhằm giành lấy sự chú ý và thời gian của người tiêu dùng. Mỗi phút, mỗi giây đều chứng kiến cuộc giao tranh khốc liệt giữa các công ty như: Facebook, Instagram, Google, YouTube, Snap, Amazon, Disney, Comcast, AT&T, Sky, Fox và Netflix. Các công ty công nghệ và các hãng truyền thông đang làm hết sức để chiêu dụ người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn vào mỗi nền tảng của họ trong ngày. Với việc sử dụng thuật toán để thu hút sự chú ý của người xem, “mồi chài” bằng những tin tức nóng hổi, công nghệ đã biến chương trình giải trí của con người thành một cỗ máy in ra tiền.

Có người ví công nghiệp giải trí giống như quái vật có 2 chiếc càng to khỏe thách thức bất kể đối thủ nào. Hai chiếc càng này chính là: nội dung miễn phí (có hỗ trợ quảng cáo) và nội dung chất lượng cao, chọn lọc và có trả tiền. Nội dung miễn phí xuất hiện nhan nhản trên các mạng xã hội, như Facebook, vốn tìm mọi cách thu hút sự chú ý của người tiêu dùng hơn là chiêu dụ họ đăng ký sử dụng thuê bao. Trong khi đó, ở nội dung chất lượng cao có trả tiền, những nhà cung cấp như Netflix và Amazon đang cạnh tranh với các gã khổng lồ truyền thông truyền thống để xem ai mới có thể thuyết phục nhiều người sử dụng nhất chịu trả tiền mua các sản phẩm của họ. Đây là một trận chiến không khoan nhượng và sẽ rất lâu mới có thể phân rõ kẻ chiến thắng cuối cùng.

Năm 2017 Netflix sẽ dành ra ít nhất 7 tỷ USD để đầu tư vào nội dung, trong đó có các chương trình mới tại nhiều nước trên khắp thế giới với mục tiêu trở thành một mạng truyền hình toàn cầu. Các đối thủ của Netflix cũng đang chi ra hàng tỷ USD trong cuộc chạy đua này.

Tuy nhiên, vẫn có giới hạn đối với lượng thông tin mà người sử dụng có thể tiêu thụ và lượng dịch vụ mà họ sẽ đăng ký sử dụng, vì thế không ít người tham gia cuộc thi có thể sẽ rơi rụng trong suốt chặng đua. Trong cuộc đua giành sự chú ý này, người chơi phải có những nền tảng lớn nhất và những thương hiệu hào nhoáng nhất. Tiến bộ công nghệ có thể giúp một người chơi hoàn toàn mới, nhanh chóng giành được “đất diễn”, đặc biệt nếu là một người chơi có tầm nhìn biết kết hợp công nghệ thực tế ảo (VR) hay thực tế tăng cường (AR) với một cái gì đó gần như giống với thế giới tưởng tượng của khoa học viễn tưởng.

Nhưng người tiêu dùng chỉ có thể đáp trả lại một phần sự nhiệt tình đó. Đứng trước quá nhiều lựa chọn và bị sự dẫn dắt có chủ ý bởi các thuật toán, dù ở lĩnh vực nội dung miễn phí hay nội dung có trả tiền, họ chọn chỉ một vài trong số những nội dung được ưa chuộng nhất. Đó cũng là lý do cuộc chiến càng khốc liệt giữa các công ty nhằm đưa sản phẩm của họ trở thành nội dung nằm trong danh sách được người tiêu dùng chọn ghé mắt vào.

Thành Lợi

Các Bộ trưởng phản hồi ra sao về kiến nghị của các tập đoàn Sungroup, Geleximco,...về vấn đề đất đai, quy hoạch?
Những vấn đề nóng như đầu tư, giá đất, giao đất, khoáng sản,... mà đại diện các tập đoàn lớn đưa ra đã được các bộ trưởng tham dự cuộc gặp mặt sáng 21/9 phản hồi và thông tin chi tiết.